Ba Khía Muối Đầm Dơi - Nâng tầm thương hiệu quê hương |
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Chương trình vưới mục tiêu tổng quát: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn;
Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Ba Khía Muối Đầm Dơi |
Hiện nay toàn tỉnh Cà Mau đã có 77 đặc sản OCOP được công nhận 3 sao trở lên, xếp thứ 4/13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm OCOP.
Trong năm 2022, Cà Mau đề ra mục tiêu phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm; công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt 3-4 sao; nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao lên 4 sao; phát triển, nâng cấp 28-30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; củng cố, nâng cao chất lượng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ 77 sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận tham gia các hoạt động kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm...
Huyện Đầm Dơi có 19 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó có Ba Khía Đầm Dơi là một trong những sản phẩm được công nhận.
Cách đây hơn 5 năm, khi nói ý tưởng và bắt đầu thực hiện, vợ chồng Nguyễn Văn Miên và Trần Thị Xa ở ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Ðầm Dơi, khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm bất ngờ và có phần hoài nghi. Bởi 2 bạn học xong đại học, theo đề án trí thức trẻ và đang có công việc khá ổn định, liệu rằng bắt đầu với con ba khía có thành công, hay chỉ tốn thời gian vô ích?
Sự động viên của gia đình là động lực để vợ chồng Xa - Miên chinh phục ước mơ khởi nghiệp và khẳng định thương hiệu cho nông sản quê hương, đó là con ba khía xứ Ðầm. Mọi người trăn trở cũng có lý, bởi Cà Mau có nghề muối ba khía của Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển) khá nổi tiếng. Ðây là áp lực rất lớn khi vợ chồng trẻ quyết định xây dựng thương hiệu con ba khía Ðầm Dơi.
Giấy chứng nhận OCOP, vệ sinh an toàn thực phẩm và đăng ký hộ kinh doanh |
Từ sản phẩm ba khía muối ban đầu, dần dần qua nhiều cố gắng thương hiệu Ba khía Đầm Dơi vô cùng vinh dự khi nhận được các giải thưởng và chứng nhận cao quý như: Hạng I cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL năm 2020; Hạng I cuộc thi Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Cà Mau năm 2020; Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao duy nhất của Tỉnh cà mau trong nghề muối ba khía; Được cấp phép chứng nhận VSATTP và giấy phép kinh doanh
Thành công nối tiếp thành công, thương hiệu ba khía Ðầm Dơi sau khi nhận cú đúp giải Nhất về cuộc thi khởi khiệp cấp tỉnh và khu vực ÐBSCL tại TP Cần Thơ năm 2020 với giải thưởng 2 cuộc thi này lên đến 50 triệu đồng. Ðây là nguồn lực kinh tế quan trọng để 2 bạn trẻ đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại để sản xuất tiếp, ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới, cũng từ con ba khía Ðầm Dơi
Hiện nay Ba khía Đầm Dơi đã thành lập hợp tác xã và có 10 xã viên, đầu tư dây chuyền hiện đại, đưa máy móc vào sản xuất nhưng vẫn giữ những công đoạn truyền thống quyết định chất lượng sản phẩm; quản lý chặt và nghiêm ngặt khâu chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Quy trình sơ chế, đóng gói Ba Khía muối Đầm Dơi |
Hiện hàng tháng, hợp tác xã đã sản xuất gần 4 tấn ba khía với chất lượng được khẳng định từ phản hồi của người tiêu dùng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hiện nay mở rộng, mở thêm chi nhánh ở Cần Thơ. Ở các nhà hàng, quán ăn uống, quán nhậu, cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh và các tỉnh bạn rất ưa chuộng sản phẩm ba khía muối nguyên con và ba khía tách muối gắn sao OCOP.
Vận chuyển, tiêu thụ và trung bày sản phẩm Ba Khía muối |
Hợp tác xã là mô hình quy tụ được nhiều anh chị em làm công nhật góp phần tăng thêm thu nhập từ con ba khía Ðầm Dơi cho các hộ gia đình. Thời gian vừa qua do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp kéo dài nên việc thu gom nguyên liệu cũng như tiêu thụ đôi phần cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên với tinh thần cố gắng quyết tâm cao hợp tác xã vẫn duy trì việc bán hàng và quảng cáo sản phẩm Ba Khía muối qua điện thoại, các kênh thương mại điện tử do đó việc kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm đến với người tiêu dùng vẫn được duy trì thuận lợi.
Tất cả với mục tiêu mang thương hiệu ba khía Ðầm Dơi bay xa, thông qua sản phẩm uy tín và chất lượng do hợp tác xã sản xuất. Mong muốn đem đến những trải nghiệm ẩm thực truyền thống Nam bộ, thương hiệu Ba khía muối Đầm Dơi luôn đem đến bữa cơm gia đình của du khách gần xa những hương vị đằm thắm, tinh tế của một món ăn đã gắn liền bao thế hệ người dân Nam bộ - Ba khía.
Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm phát động cuộc thi viết, ảnh Chương trình OCOP năm 2022 Cuộc thi nhằm cổ động, lan tỏa những giá trị tích cực; thúc đẩy triển khai, đưa OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Cuộc thi viết, ảnh về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022 nhằm phản ánh, tuyên truyền về những thành quả tích cực, cách làm sáng tạo, hiệu quả; những mô hình tốt, các cá nhân, tập thể tiêu biểu trong triển khai thực hiện “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” thời gian qua... Đồng thời, cổ động, biểu dương, khuyến khích các cộng đồng, tập thể về cá nhân có đóng góp cho Chương trình OCOP Quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, truyền thông rộng rãi về vai trò quan trọng, mục đích sâu rộng của chương trình OCOP, thúc đẩy thực hiện thực hiện thành công chương trình hướng đích mục tiêu đã định; tạo niềm tin tất thắng trong nâng cao, bền vững thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - văn hóa cho người dân. Truyền cảm hứng, động lực chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, thu hút sự tham gia của các chủ thể, cổ vũ phong trào khởi nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; truyền thông - thương mại sản phẩm, kết nối cộng đồng, phát triển du lịch, quảng bá lịch sử - văn hóa – truyền thống và góp phần để OCOP thực sự gắn sao trong lòng dân, phát triển Thương hiệu Quốc gia. Bên cạnh đó, Cuộc thi còn phản ánh thực trạng, những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn phát sinh; phân tích nguyên nhân, đem đến các giải pháp hữu ích, khả thi để OCOP thực sự trở thành chương trình quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, đưa nông thôn trở thành những “Miền quê đáng sống”... Theo BTC, cơ cấu giải thưởng "Cuộc thi viết, ảnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022" gồm có: 01 giải đặc biệt (10.000.000đ), 01 giải nhất (8.000.000đ), 02 giải nhì (5.000.000đ), 03 giải ba (3.000.000đ) và 05 giải khuyến khích (2.000.000đ). Tổng giá trị giải thưởng gần 50 triệu đồng. Lễ tổng kết, trao giải "Cuộc thi viết, ảnh Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2022" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 12/2022. |