Xuất hiện những mô hình nuôi ếch Thái Lan quy mô lớn tại Thạch Hà (Hà Tĩnh) đem lại hiệu quả kinh tế cao. |
Nuôi vạn con ếch nhưng vốn ít mà dễ chăm
Nghề nuôi ếch đã xuất hiện ở Thạch Hà nhiều năm nay nhưng chủ yếu rải rác với số lượng nhỏ trong các hộ dân. Gần đây, người nuôi mới mở rộng quy mô theo hướng thâm canh. Hiện trên địa bàn huyện có 2 mô hình nuôi ếch thâm canh tại xã Thạch Đài và xã Tân Lâm Hương.
Gắn bó với nghề nuôi ếch đã khá lâu nhưng phải đến năm 2022, anh Nguyễn Văn Lục (thôn Bàu Láng, Thạch Đài) mới quyết định mở rộng diện tích để phát triển kinh tế.
Anh Lục cho hay: “Gia đình tôi nuôi ếch giống Thái Lan trên diện tích 1.000 m2, gồm 6 bể và 4 lồng. Nghề này có nhiều ưu điểm như tận dụng được diện tích đất sẵn có, chi phí đầu tư khá “dễ chịu”, dễ chăm sóc, quản lý và mang lai hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, thịt ếch còn là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng được nhiều người ưa chuộng, người nuôi không quá bận tâm về vấn đề đầu ra".
Gia đình anh Nguyễn Văn Lục (thôn Bàu Láng, Thạch Đài) đang nuôi 50.000 con ếch Thái Lan. |
Năm 2022, anh Lục bán được 6 tấn ếch thịt, doanh thu xấp xỉ 300 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng. Năm nay, anh thả nuôi từ tháng 4 dương lịch với số lượng 5 vạn con và dự tính xuất bán trong tháng 8 này.
Theo anh Lục, ếch có 2 cách nuôi phổ biến là nuôi trong bể xi măng (mật độ khoảng 100 con/m2) và nuôi trong lồng (khoảng 150 con/m2). Thức ăn cho ếch chủ yếu là các loại cám viên tổng hợp kết hợp với nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có như tép, cá con... Tuy vậy, để nuôi có hiệu quả phải cần nhiều yếu tố như: con giống tốt, cho ăn đúng phương pháp, khu vực nuôi phải bảo đảm vệ sinh, nguồn nước không bị ô nhiễm.
Nuôi ếch khép kín chủ động từ con giống tới thị trường
Cũng là mô hình nuôi và sản xuất giống ếch với số lượng lớn của Thạch Hà (diện tích 1.000 m2), năm nay, chị Trần Thị Nguyệt (thôn Minh Đình, xã Tân Lâm Hương) thả 5 vạn con giống, gần gấp đôi so với năm ngoái (3 vạn con). Không chỉ nuôi ếch thịt, chị còn học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật qua sách báo, tài liệu để ếch sinh sản. Mô hình nuôi ếch khép kín này giúp gia đình vừa có thêm thu nhập, vừa chủ động được nguồn ếch giống tại chỗ.
Theo chị Nguyệt, thị trường tiêu thụ ếch khá đa dạng, ngoài địa bàn Hà Tĩnh, thịt ếch còn được bán tại các tỉnh: Nghệ An, Quảng Bình... Hiện, ếch đang được bán với giá trung bình từ 55.000 đồng - 60.000 đồng/kg (khoảng 4 - 6 con/kg tuỳ thuộc vào kích thước). Theo tính toán, với mức giá hiện tại, năm nay, gia đình chị Nguyệt tiếp tục có doanh thu hàng trăm triệu đồng từ nuôi ếch.
Mô hình nuôi ếch khép kính giúp người dân chủ động được con giống. |
Từ hiệu quả mô hình này mang lại, nhiều người dân trên địa bàn cũng đến tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật nuôi ếch Thái Lan. Theo chị Nguyệt, đây là mô hình cần được khuyến khích nhân rộng nhằm giúp người dân tận dụng diện tích vườn, ao của gia đình để phát triển kinh tế.
Theo các hộ nuôi, thời gian qua, bà con đã được Phòng NN&PTNT huyện cùng các đơn vị liên quan như Hội Nông dân huyện, Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện... hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Việc duy trì, phát triển mô hình này không khó, song, cần lưu ý tới một số bệnh thường gặp như: đường ruột, trướng hơi, để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, diện tích nuôi ếch không cần quá lớn, có thể tận dụng các ao bỏ hoang có nguồn nước tốt, hay mảnh đất trống để đặt bể hay lót bạt. Ngoài ra, thức ăn cho ếch cũng khá đa dạng, ngoài thức ăn công nghiệp, có thể là cá tạp hay ốc bươu vàng xay nhuyễn…
Ông Nguyễn Văn Duy - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà cho biết: "Thành công của các mô hình nuôi ếch trên địa bàn không chỉ tạo ra nguồn thu nhập cao, giúp các gia đình ổn định cuộc sống mà còn mở ra hướng đi mới, cách làm hay thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế của địa phương. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích bà con nông dân tham gia học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để chuyển hướng nuôi ếch Thái Lan đem lại hiệu quả cao"./.