Vườn hồng của nữ kỹ sư ngành xây dựng luôn rực rỡ. |
Chị Phạm Thị Huyền Trang (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) là kỹ sư ngành xây dựng công trình nhưng lại có niềm đam mê những bông hoa hồng biểu tượng của tình yêu. Từ nềm đam mê hoa hồng, từ tháng 6/2020 chị Trang bắt tay tạo dựng một vườn hồng của riêng mình.
Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu chị đã nhận ngay "gáo nước lạnh" khi những chậu hồng mua về chăm sóc bằng tình yêu nhưng thiếu kinh nghiệm khiến: Cây bị nấm, trĩ, nhện, hoa nhỏ, bông thì èo uột… tưởng như chết hết.
Từ thất bại ban đầu đó, chị Trang đã bỏ công tìm hiểu trong các hội nhóm về cách chăm sóc hoa hồng. Chị còn dành thời gian đọc lại các đặc tính sinh trưởng của cây hoa, cách cắt tỉa cũng như chăm sóc. Rồi bắt đầu công cuộc cải cánh vườn hoa hồng, chị thay toàn bộ giá thể, đổi chậu thoát nước tốt hơn…
|
Sau hành trình khá vất vả lúc đầu ấy thì giờ đây chị Trang đã sở hữu khu vườn hoa hồng với khoảng 50 gốc hồng các loại. Đa phần là các giống hồng ngoại sai hoa nhất như Miyabi, Shell shell, Summer snow, Kellogg, Lafont, Carey, Soeur...ngoài các giống hồng ngoại chị Trang còn trồng các giống hồng nội sai hoa như hồng Sapa và hồng đào cổ.
Chị Trang cho biết, có vườn hoa hồng, 2 đứa con của chị cũng có cơ hội được gần gũi và hiểu hơn về thiên nhiên khi cùng mẹ chăm vườn, bắt bọ ăn lá cho hồng…Hiện tại, ngoài trồng hồng thì chị Trang còn trồng thêm các loại cây ăn trái như khế, bưởi, chôn chôm thái và vú sữa.
|
Khi hỏi về bí quyết để có được vườn hoa hồng đẹp tuyệt vời như vậy thì chị Trang cho biết chỉ vất vả công đoạn ban đầu khi chinh phục loài hoa này, còn khi đã quen rồi thì công chăm sóc khá là nhàn.
“Bình thường mình dậy từ 5 giờ 30 sáng, mất khoảng 30 phút để tưới cây. Buổi chiều thì mình đi làm về nhà lúc 5 giờ 30 và cũng chỉ mất khoảng 30 phút để tưới. Việc bón phân và cắt tỉa cây mình tranh thủ lúc cuối tuần rảnh rỗi để làm nên cảm thấy với 50 gốc hồng thì mình không tốn thời gian chăm nhiều”, chị Trang chia sẻ.
Theo chị Trang, hồng là loại hoa khó chăm vì nắng thì trĩ nhện, mưa thì nấm lá đen thân cành. Do đó cần hiểu đặc tính kỹ thuật và nhận biết dẫu hiệu bệnh để trị. Đối với hoa hồng yếu tố quan trọng là nắng, ít nhất phải đủ 3 giờ nắng thì cây mới khỏe giảm thiểu tối đa các bệnh về lá. Hồng ưa ẩm nên cần tưới nước ngày 2 lần, buổi sáng sớm và chiều mát, tưới rửa lá để giảm nấm bệnh.
|
Ngoài ra, chị Trang cho biết việc trộn giá thể cũng quan trọng không kém vì hồng ưa ẩm nhưng phải thoát nước tốt không để bị ngập úng. Chị thường sử dụng giá thể bao gồm đất đỏ, trấu tươi, trấu hun và đá perlite để đảm bảo đất luôn tơi xốp. Ngoài ra trồng hồng trong chậu cần lựa chọn chậu hồng có nhiều lỗ thoát nước, nên dùng xỉ than, xốp lót dưới để tăng độ thoát nước tránh ngập úng cho cây hoa.
Về phân bón, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, trước khi cắt cành mình bổ sung phân dê với nhiều lân để cây phát triển bộ rễ tạo đà chuẩn bị bật mầm. Sau đó từ 7 - 10 ngày mình bổ sung thêm phân gà với nhiều đạm để cây có mầm to mập hơn. Tuần sau đó mình bón phân bò cho đến khi cây đóng nụ, bổ sung thêm ít dịch chuối chứa kali để hoa có màu đậm và chuẩn form hơn.
|
Để hồng ra hoa như ý, theo chị Trang, một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với hồng là nắng sau đó là đất trồng, cây giống khỏe. Chế độ phân bón cần đa dạng và phòng bệnh cho hoa. Để cây ra hoa đồng loạt thì cần cắt tỉa một lần kể cả các nụ chưa kịp nở để đợt hoa sau cây luôn nở đồng loạt. Cây ra hoa khoảng 2-3 đợt cần ngưng một đợt để cây nghỉ lấy lại sức. Nắm vững các bước, bà mẹ trẻ đã có được vườn hoa hồng đẹp ngất ngây ngay tại nhà./.