Chị Trần Thị Huyền (bên phải) bằng niềm đam mê hoa hồng đã sáng tạo ra những sản phẩm từ hoa hồng đem lại thu nhập cao. |
Hương sắc hoa hồng khơi dậy ước mơ
Từ thời thiếu nữ, chị Trần Thị Huyền đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp, mùi hương của hoa hồng. Lúc ấy, chị Huyền đã có ước mơ khi lớn lên có căn nhà nhỏ, xung quanh là vườn trồng những bụi hoa hồng đủ màu sắc để mỗi sáng sớm tỉnh giấc, dưới ánh nắng ban mai được ngắm nhìn những bông hồng rung rinh khoe sắc, được hít hà hương hoa hồng…
Tốt nghiệp đại học, đi làm rồi vì công việc gia đình chị nghỉ việc ở nhà để chăm lo cho chồng con. Từ đây ý tưởng tạo dựng vườn hồng mơ ước tiếp tục sống dậy. Ở nhà, ngoài thời gian làm việc nhà, đưa đón con, thời gian rảnh chị lên mạng để tìm hiểu về các loại hoa hồng, đặc điểm sinh trưởng và cách chăm sóc từng loại hoa hồng.
Mỗi lần lên mạng tìm kiếm thông tin, hình ảnh những bông hoa hồng đủ màu sắc từ nội địa đến ngoại nhập đã thôi thúc chị thực hiện ước mơ của mình. Sau 1 năm tìm hiểu, nghiên cứu, chị Huyền mạnh dạn đặt một số loại hoa hồng để trồng thử nghiệm.
Yêu hoa hồng nên chị Huyền hiểu được giá trị của từng cánh hoa. |
Thế nhưng, hành trình biến ước mơ thành hiện thực của chị Huyền không hề đơn giản. Theo chia sẻ của chị Huyền, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc, cây bị nhiễm nấm, sâu bệnh; phát triển chậm làm ảnh hưởng đến quá trình ra hoa.
Không bỏ cuộc, chị tìm mua sách, tìm tài liệu trên internet để đọc, tìm các video hướng dẫn, tham gia vào tất cả các hội nhóm liên quan đến hoa hồng trên Facebook… để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc hoa hồng theo hướng hữu cơ (không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học…).
Sau một thời gian thử nghiệm với nhiều loại hồng, chị Huyền có tình cảm đặc biệt với hoa hồng cổ Sa Pa - loại hoa ưa lạnh, độ ẩm cao, chủ yếu được trồng ở các tỉnh có khí hậu mát mẻ ở miền Bắc hoặc ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Mặc dù, Đồng Nai nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, nhiệt độ cao quanh năm nhưng với tình cảm đặc biệt với hồng cổ Sapa, chị Huyền đã đặt mua mỗi lần vài chục gốc về trồng và đến nay chị đã có vườn hồng cổ Sapa với khoảng 200 gốc.
Từ khi sở hữu vườn hồng, thời gian của chị phần lớn dành cho vườn hồng. Chị Huyền cho hay, sáng sớm tỉnh giấc, chị có thói quen dạo một vòng vườn hồng để ngắm nhìn, hít hà hương thơm của những bông hồng mới nở. Thời gian rảnh trong ngày, chị đều dành để chăm sóc hoa hồng. Công việc tuy bận rộn nhưng thành quả mà chị nhận được là cảm giác thư thái, an yên mỗi ngày.
Từ cánh hồng tạo ra dòng nước hoa mang tên mình
Chị Huyền chia sẻ, sau 6 tháng trồng hoa hồng, chị bắt đầu thu được những bông hồng đầu tiên. Khi hoa hồng mới ra bông, chị cắt để trang trí nhà cửa, tặng cho người thân vào các ngày lễ đặc biệt… Sau mỗi đợt hoa tàn còn phải cắt tỉa để hoa tạo mầm mới, vì vậy số lượng hoa hồng bị cắt bỏ đi ngày càng nhiều.
Vườn hoa hồng của chị được trồng theo phương pháp hữu cơ nên chị cảm thấy xót khi chính tay mình cắt bỏ đi những bông hoa hồng sắp tàn. Từ đó, chị nung nấu ý tưởng phải tạo ra được sản phẩm mang tên mình.
Hoa hồng sau khi cắt sẽ được chị Trần Thị Huyền tách cánh, rửa sạch bụi bẩn, để ráo trước khi đưa vào thiết bị chưng cất. |
Tham khảo các sản phẩm từ nguồn internet, chị Huyền thấy nước cất hoa hồng dùng chăm sóc da là sản phẩm đơn giản, phù hợp với một người mới “chập chững” bước vào lĩnh vực chế biến nên chị quyết định thử sức với sản phẩm này.
Chị nghiên cứu cách làm, lần tìm địa chỉ mua thiết bị chưng cất nước hoa hồng bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước và cho ra đời sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ đầu tiên mang thương hiệu Huyen’s Garden (đăng ký địa chỉ tại xã Đại Phước, H.Nhơn Trạch - nơi thường trú của chị).
Chị Huyền cho biết, khi mẻ nước cất hoa hồng đầu tiên ra đời, đích thân chị là người trải nghiệm. Tiếp đến, chị đem nước cất hoa hồng đi kiểm nghiệm các chỉ số về cảm quan, chỉ số hóa, lý… Khi có kết quả kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn về chất lượng và độ an toàn, chị bắt đầu tìm mua chai lọ; in ấn nhãn mác cho phù hợp… Tận dụng sức lan tỏa của mạng xã hội, chị Huyền đã giới thiệu sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ đến với người thân, bạn bè.
Sau khi ổn định với dòng sản phẩm nước cất hoa hồng hữu cơ, chị Huyền tiếp tục nghiên cứu và cho ra dòng sản phẩm nụ hoa hồng sấy khô để làm trà… Theo chia sẻ của chị Huyền, làm hoa hồng sấy khô có nhiều cách nhưng chị đã chọn phương pháp sấy lạnh để hoa sau khi sấy xong vẫn giữ được màu sắc, mùi thơm tự nhiên và những dưỡng chất tốt trong hoa.
Theo đó, nụ hoa hồng khi gần nở sẽ được cắt, rửa sạch bụi bẩn để ráo và cho vào khay sấy ở nhiệt độ thấp trong nhiều giờ đồng hồ. Nụ hoa hồng sau khi sấy xong sẽ được bảo quản kín, tránh bị ẩm trở lại nhằm giữ được mùi hương của hoa hồng.
Vườn hồng có khoảng 200 gốc, cứ 40 ngày sẽ thu hoạch hoa, mỗi đợt thu được khoảng 30 kg hoa tươi, sản xuất ra được khoảng 1 kg trà nụ hồng, 10 lít nước hoa hồng. Sản phẩm làm ra không đủ bán cho khách đã đặt đem lại nguồn thu nhập khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Kiều Tiên (đang làm việc ở khu công nghiệp Hiệp Phước, H.Nhà Bè, TP.HCM), bạn thân của chị Huyền, chia sẻ: “Tôi rất ngưỡng mộ về hành trình chăm sóc hoa hồng của Huyền. Hoa hồng được chăm sóc tự nhiên, không chất bảo quản nên rất nhiều người yêu thích và tìm đến mua. Tôi sử dụng trà nụ hồng, nước cất hoa hồng từ lúc Huyền thử nghiệm đến bây giờ”.
Từ vườn hồng cổ thỏa mãn tình yêu hoa đã gợi mở ý tưởng để chị Trần Thị Huyền sáng tạo ra dòng nước hoa hồng đặc biêt.. Chị còn đang ấp ủ dự định kết hợp nụ hoa hồng sấy khô với một số thảo dược để tạo ra trà hoa hồng thảo dược với hy vọng phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng hơn. Đó là cách người phụ nữ yêu hoa hồng này biến niềm đam mê thành giá trị kinh tế./.