Hòa Bình phát triển nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại Sơn La: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch Nông nghiệp hữu cơ: Con đường không trải hoa hồng |
![]() |
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đem lại sự khởi sắc cho kinh tế huyện Tân Uyên (Lai Châu). |
Giàu lên từ những vùng chuyên canh
Từ một vài mô hình ban đầu, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đang được hình thành, giúp bà con nông dân bản vùng cao ở Lai Châu nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Theo ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho biết: Huyện Tân Uyên là địa bàn có tiềm năng phát triển nông sản. Những năm trước người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, theo mô hình hộ gia đình nên năng suất và sản lượng chưa cao.
Bên cạnh đó, bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sảm phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì những yếu tố đó dẫn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không khởi sắc.
![]() |
Cây ớt đang được trồng tại nhiều xã nhờ liên kết của doanh nghiệp với người dân ở Tân Uyên. |
Hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản, chúng tôi đã khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã bắt tay cùng người dân từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ đó nhiều các mô hình cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng chè, dưa lứa, ớt, chanh leo… đã được doanh nghiệp và người dân xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả khá rõ rệt.
Ruộng ớt của gia đình chị Bàn Thị Mấy, bản Liên Hợp (xã Pắc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) đang vào mùa thu hoạch. Từ diện tích 1.500m2 lúa kém hiệu quả trước đây, gia đình đã liên kết với doanh nghiệp trồng các loại ớt chỉ thiên. Giờ đây ruộng ớt đã cho thu hoạch mỗi lứa hơn 20 triệu đồng, mỗi năm cũng thu về từ 80-100 triệu đồng.
Chị Bàn Thị Mấy chia sẻ, ruộng của gia đình trước đây mỗi năm trồng cấy một vụ, cho thu khoảng 20 bao thóc, giá trị kinh tế khoảng 10 triệu đồng. Nay cây ớt có hiệu quả kinh tế hơn, nên gia đình dự kiến chuyển toàn bộ diện tích hơn 3.000m2 đất lúa một vụ còn lại sang trồng ớt.
"Mới đây gia đình tôi đã thay đổi một số diện tích đất để chuyển sang trồng cây ớt. Hiện tại gia đình đã thu được hơn 2 tấn ớt. Cây ớt trồng ở đây nó rất hợp đất phát triển tốt. Thời gian chăm sóc nó vất hơn nhưng mà mang lại lợi ích kinh tế cho gia đình cao hơn" - chị Mấy cho biết.
![]() |
Ớt sau thu hoạch được chế biến công nghiệp, tạo giá trị cao. |
Từ đất trồng các loại cây truyền thống, đến nay huyện Tân Uyên đã chuyển đổi để tạo thành vùng nguyên liệu của nhiều loại cây trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. Cụ thể, đến nay địa phương đã có gần 1.000 ha chuối, chè, tranh leo, dưa lưới, ớt, cà chua... theo hướng sản xuất hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch và được thị trường ưa chuộng.
Ông Lò Văn Đón, Trưởng bản Huổi Luồng, thị trấn Tân Uyên cho biết, bản có gần 80 hộ, với gần 800 nhân khẩu là đồng bào Khơ Mú. Do bà con 100% làm nông nghiệp và trước đây thường loay hoay với cây trồng lúa, ngô, chè sản xuất theo phương thức truyền thống nên tỷ lệ đói nghèo cao. Khoảng 2 năm nay bà con chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, nên giá trị sản phẩm hàng hóa tăng cao, từ đó đời sống người dân cũng được cải thiện.
Theo ông Đón: "Trước kia bản chúng tôi đa phần là trồng lúa, với ngô nhưng thấy hiệu quả phát triển kinh tế không cao. Sau có hợp tác xã Phương Nam được UBND thị trấn triển khai cho bản chúng tôi mô hình chè hữu cơ, chè sạch, chè Kim Tuyên. Trước kia máy cắt chúng tôi chỉ bán được 5.000-6.000 đồng/kg, giờ chúng tôi bán mỗi kg chè là 15.000 đồng. Tổng số chúng tôi tham gia 20 hộ thì có khoảng 8 - 9 ha, hiện nay bà con trong bản rất là phấn khởi".
Sản xuất tập trung quy mô lớn để nâng tầm nông sản
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, huyện Tân Uyên đã bám sát chủ trương của tỉnh Lai Châu, trong đó thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Địa phương chú trọng việc chuyển đổi, đưa các cây trồng có giá trị năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra được thị trường ưa chuộng.
Ông Lò Văn Mơn, Phó Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, việc chuyển đổi giống cây trồng và phương thức canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp chuyên canh đã cho thu nhập bình quân trên một diện tích của bà con nông dân tăng cao. Nếu như cấy lúa, trồng ngô, bình quân 1 năm người nông dân thu được từ 50 - 70 triệu đồng/ha, thì nay trồng ớt, tranh leo, bí xanh, người dân thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; trồng dưa, cà chua trong nhà màng cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/1ha.
"Để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao giá trị các sản phẩm, tạo ra các sản phẩm thực phẩm an toàn và hướng tới hệ sinh thái bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước bền vững, huyện Tân Uyên cũng đã và đang hình thành những mô hình sản xuất theo hướng an toàn là những mô hình nhà lưới, nhà màng và các sản phẩm là chè, ớt. Huyện cũng đã tạo ra các vùng nguyên liệu, để tạo ra các sản phẩm đặc trưng mang lại giá trị kinh tế cao" - ông Mơn cho biết.
![]() |
Liên kết sản xuất đã tạo niềm tin cho nông dân trồng chè tỉnh Lai Châu nói chung và nông dân trồng chè huyện Tân Uyên nói riêng. |
Tăng cường thu hút doanh nghiệp vào liên kết và tận dụng các chính sách của Nhà nước để hỗ trợ cho người dân, Tân Uyên đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung và trở thành địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp ở Lai Châu. Các sản phẩm cây trồng có giá trị kinh tế cao là lợi thế của địa phương trong giải quyết vấn đề thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân và tạo đà cho chặng đường phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Theo ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên cho biết: Chúng tôi huy động các nguồn lực để hỗ trợ bà con trong sản xuất nông nghiệp, cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh Lai Châu, huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con tham quan, học tập các mô hình hay từ các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mở rộng cửa, giảm thiểu các thủ tục hành chính để chào đón các doanh nghiệp, hợp tác xã đến tìm cơ hội liên kết sản xuất cùng nông dân và đã đạt được những kết quả khá tích cực.
"Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tạo ra những cơ hội lớn cho người dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm được tạo ra theo chu trình khép kín cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng, thu nhập của nông dân cũng tăng cao rõ rệt", ông Huy hồ hởi bày tỏ./.