“Giai điệu” đe, búa
Chúng tôi tìm về làng rèn Tiến Lộc, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) vào một ngày cuối năm. Con đường làng được trải bê tông rộng rãi, những ngôi nhà nhỏ tiêu điều xưa kia được thay thế bằng những căn nhà hai, ba tầng khang trang, sạch đẹp.
Mới chỉ bước tới đầu làng, những tiếng đe và tiếng búa chan chát, dồn dập dội đến khiến những vị khách phương xa như chúng tôi ù cả đôi tai, nhưng có lẽ với những người dân nơi đây đã gắn bó và trưởng thành từ “giai điệu” âm thanh quen thuộc ấy.
![]() |
Nghề rèn Tiến Lộc có lịch sử hàng trăm năm, dịp Tết đến làng rèn bộn bề với công việc |
Nghề rèn Tiến Lộc có lịch sử hàng trăm năm được cha truyền con nối, với rất nhiều sản phẩm như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng… mà ít có vùng nào sánh được. Theo các cụ cao niên ở xã Tiến Lộc kể lại, xưa kia làng rèn Tiến Lộc (được gọi là làng rèn Tất Đắc) là tên chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc. Trước kia, có nghề là vậy, nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại nơi đây đã “thay da, đổi thịt”.
Tâm sự với chúng tôi, anh Lê Bá Cường, một thợ rèn lành nghề trong làng, cho biết: “Với người dân Tiến Lộc, người thợ rèn là một nghệ nhân, người thợ rèn không chỉ đòi hỏi có sức khoẻ, còn yêu cầu sự khéo léo của đôi tay lành nghề. Bây giờ với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, máy móc dần dần được đưa vào quy trình sản xuất giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Có những công đoạn vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay lành nghề của người thợ mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng. Vốn ít, vay khó, cơ sở quy mô nhỏ lẻ nên hai vợ chồng tự làm thủ công, thu nhập mỗi ngày khoảng 350 nghìn/ngày/người”.
Hiện toàn xã Tiến Lộc có 1509 hộ/2623 hộ sản xuất kinh doanh theo hình thức hộ gia đình phân bố trên 5 thôn. Với 3 làng nghề rèn truyền thống đã được công nhận, thôn Ngọ, thôn Bùi, thôn Sơn, hai thôn còn lại đang phát triển chưa được công nhận, số lao động thường xuyên làm nghề: 3320/4861 bằng 68,3% tổng số lao động trên địa bàn toàn xã.
Toàn xã Tiến Lộc hiện có 6 tổ máy cán rút thép, 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp, 3 cơ sở đột dập tôn nguyên liệu, hàng chục xưởng sản xuất bánh lồng cày bừa máy, bu lông, ốc vít, hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng , dao.. trên 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm.
Nhằm tạo điều kiện để người dân phát triển làng nghề truyền thống, các cấp chính quyền và nghành chức năng huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá, đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư máy móc, thiết bị.
![]() |
Dao thép trắng là 1 trong 2 sản phẩm mà xã Tiến Lộc đang hướng tới đạt chất lượng 4 sao |
Hướng tới sản phẩm đạt 4 sao
Ông Phạm Văn Huỳnh, Bí thư xã Tiến Lộc cho biết, trước đây các sản phẩm rèn thường chỉ tập trung vào làm thủ công, bắt kịp xu hướng hiện đại, hội nhập, công nhân làng nghề đã dần dần cải tiến phương thức sản xuất. Áp dụng công nghệ, kỹ thuật vào đẩy nhanh quá trình chế tác sản phẩm, tăng chất lượng, năng suất sản xuất, về tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn xã chiếm 91% còn lại 9% là nông nghiệp.
Hiện tại xã Tiến Lộc cũng đang hướng tới 2 sản phẩm đạt chất lượng 4 sao đó là: Dao truyền thống và dao thép trắng, với dao thép trắng phôi được nhập từ nhật hoặc hàn quốc nên chất liệu tương đối đảm bảo không lo han rỉ, giá thành vừa phải đối với từng loại giao, hiện nay sản phẩm đang được bán rất chạy, với nhiều đơn hàng đặt từ trong nước và ngoài nước tin dùng. Dịp cuối năm nhu cầu của người dùng đặt mua giao từ lò rèn cao đột biến, người thợ rèn Tiến Lộc vẫn cần mẫn bắt tay làm việc từ 4 giờ sáng cho đến tận tối khuya để kịp cung ứng nhu cầu người dùng.
Từ năm 2019 đến nay, xã Tiến Lộc đang thực hiện giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp làng nghề 2 tại thôn Ngọ với quy mô 6ha hiện công tác vận động giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn thành để bàn giao cho nhà đầu tư bước vào xây dựng đầu quý 2/2023.
Sản phẩm nghề rèn xã Tiến Lộc giờ đây không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đa dạng các sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn. Hi vọng với những ứng dụng của kĩ thuật và những đôi bàn tay khéo léo, yêu nghề của những người thợ làng rèn Tiến Lộc sẽ ngày càng phát triển, luôn đỏ lửa, đem lại sự ấm no, giàu mạnh cho những người dân nơi đây, mang lại lợi ích cho địa phương, tạo riêng thương hiệu cho chính mình.