Thanh Hóa đạt thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay. |
Thống nhất một ý chí trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022 của tỉnh được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, khó khăn hơn so với dự báo tại thời điểm xây dựng kế hoạch; mặc dù Chính phủ đã triển khai quyết liệt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh mở cửa các ngành, lĩnh vực, đã tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước.
Song, dịch Covid-19 tăng nhanh và duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm và trên địa bàn hầu hết các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, cùng với giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ - Ảnh ĐBND |
Nguyên nhân được cho là Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình thực tế, nhất là những diễn biến mới, tình huống bất ngờ phát sinh, không để bị động, lúng túng. Có sự quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương; sự đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, cấp ngành và cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, chia sẻ, tin tưởng của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Trong công tác chỉ đạo điều hành đã kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, bài học hay, kinh nghiệm quý; đồng thời lựa chọn những vấn đề khó, nổi cộm để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập tồn đọng, những vấn đề phát sinh mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Những con số ấn tượng
Nhìn lại một năm với rất nhiều sự kiện đã diễn ra, sự đoàn kết, thống nhất ý chí, sự quyết tâm, nỗ lực cao nhất, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu vô cùng phấn khởi và tự hào. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước; trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,65%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,33% (công nghiệp tăng 17,88%); dịch vụ tăng 10,18%; thuế sản phẩm tăng 16,9%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu NSNN ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa ước đạt 30.150 tỷ đồng, vượt 62% dự toán và tăng 6% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 18.670 tỷ đồng, vượt 70% dự toán và tăng 55% so với cùng kỳ.
Năm 2017, thu ngân sách hơn 13.000 tỷ đồng Năm 2018, thu ngân sách hơn 23.000 tỷ đồng Năm 2019, thu ngân sách hơn 27.000 tỷ đồng. Năm 2020, thu ngân sách gần 29.000 tỷ đồng (dù đại dịch Covid hoành hành) Năm 2021, thu ngân sách 36.500 tỷ đồng (dù là năm đặc biệt khó khăn do dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp) Năm 2022, thu ngân sách ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán, tăng 20% so với cùng kỳ và đạt cao nhất từ trước đến nay. |
Sức hấp dẫn về môi trường đầu tư tại Thanh Hóa tiếp tục được khẳng định bằng những con số ấn tượng của năm 2022. Đó là tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD.
Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương được quan tâm. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh được cải thiện rõ rệt, trong đó Chỉ số hiệu quả Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021 của tỉnh đứng 3 cả nước, tăng 21 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2021 đứng thứ 14 cả nước, tăng 15 bậc. Ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, quyết liệt; tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn và trước hạn trong năm 2022 ước đạt 98%.
Dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đối với Thanh Hóa, việc đảm bảo an sinh xã hội vẫn phải được quan tâm hàng đầu, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 24.412 lao động; cấp mới, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động cho 1.470 lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo năm 2022 của tỉnh còn khoảng 5,05%, giảm 1,72% so năm 2021, vượt kế hoạch (KH giảm 1,5%). Tỷ lệ dân số tham gia BHYT năm 2022 ước đạt 90%, đạt kế hoạch.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho 1 tập thể và 7 cá nhân thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý Công an tỉnh có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý. Ảnh CAND |
Điều đặc biệt mà cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn tỉnh đều nhận thấy rõ rất đó là tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tuyệt đối. Các lực lượng vũ trang đã tăng cường công tác tuần tra trên các tuyến biên giới, thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm. Lực lượng Công an đã mở các đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm, qua đó đã phát hiện, khởi tố 1.315 vụ, 2.290 bị can phạm tội về trật tự xã hội; 741 vụ, 1.493 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; 46 vụ, 90 bị can phạm tội về kinh tế, tham nhũng; 6 vụ, 15 bị can phạm tội về môi trường.
Đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, nhưng tỉnh Thanh Hóa cũng nhận rõ những mặt còn hạn chế trong quá trình phát triển như tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa toàn diện, hoạt động xuất sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chưa đạt tiến độ. Hoạt động du lịch phục hồi nhanh nhưng không đều giữa khách trong nước và quốc tế. Thu hút đầu tư tuy đã được quan tâm thực hiện nhưng vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Thiếu quỹ đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư. Một số đơn vị còn thiếu chủ động, quyết liệt trong giải quyết công việc. Kỷ luật, kỷ cương, tinh thần, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, cá biệt có trường hợp cán bộ vi phạm đạo đức, lối sống… Những mặt còn hạn chế này sẽ được tỉnh Thanh Hóa khắc phục bằng các giải pháp quyết liệt hơn trong năm 2023.