Mô hình nuôi cá bống bớp ở Nam Định
Cá bống bớp có tên khoa học là Bostrychus sinensis. Đây là loài cá sống ở vùng nước lợ có kích thước nhỏ, da trơn, thân hình trụ tròn với đầu ngắn, mắt nhỏ và mõm tầy. Ở nước ta, cá bống bớp phân bố nhiều ở những vùng cửa sông ven biển và đầm nước lợ từ Bắc vào Nam.
Khi còn nhỏ, cá bống bớp sống theo từng cặp đực cái hay thành đàn trong hang. Thức ăn của chúng là động vật phù du, giun, giáp xác cỡ nhỏ, ấu trùng côn trùng. Khi lớn, chúng ăn các loại còng, cáy, tôm, cua nhỏ, don dắt và mùn bã hữu cơ.
Cá bống bớp vốn là loài cá nước mặn, sinh sống vùng cửa biển. Nhận thấy loài cá này có sức sống rất bền bỉ, một số ngư dân ở đội 8, xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Hưng đã thả thử vào ao nước lợ và phát hiện cá thích nghi tốt với môi trường này. Từ đó, cá được nuôi nhân rộng tại vùng bãi triều rộng khu vực cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy.
Cá bống bớp có giá thành 240.000-300.000 đồng một kg.
Sau khi được người dân thuần hóa đã trở thành cá nước lợ, với đặc tính khỏe, dễ nuôi, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm, được thị trường ưa chuộng nên được đưa vào nuôi đại trà ở huyện Nghĩa Hưng.
Ngoài khai thác và thu mua con giống tự nhiên về nuôi thành cá thương phẩm, nhiều hộ đã nuôi được cá đẻ trứng và tiến hành cho ấp nở nên nguồn cá giống. Trong quá trình nuôi, người nuôi sử dụng hoàn toàn nguồn thức ăn có nguồn gốc tự nhiên là cá tạp được mua ngoài biển được rửa sạch, vứt bỏ đầu, ruột và đem xay nhỏ, không sử dụng cám công nghiệp nên thịt cá rất chắc, giàu dinh dưỡng.
Từ lúc ươm cá giống đến khi xuất bán thành phẩm cá bống bớp mất 12-15 tháng, giá thành 240.000-300.000 một kg. Trọng lượng cá thương phẩm đạt 10-12 con mỗi kg.
Trung bình, mỗi ha nuôi cá bống bớp cho thu hoạch khoảng hơn 4 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm, người nuôi thu lợi nhuận khoảng 200-300 triệu đồng một ha.
Những năm gần đây, người dân huyện Nghĩa Hưng quy hoạch vùng nuôi, thành lập Hiệp hội nuôi cá bống bớp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm gia tăng giá trị cá bống bớp, các hộ nuôi đã liên kết nuôi cá tiêu chuẩn VietGap từ khâu sản xuất cung ứng giống đến khâu nuôi thương phẩm, thu mua, sơ chế, tiêu thụ.
Năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bống bớp Nghĩa Hưng", tạo cơ hội cho sản phẩm cá bống bớp tham gia chuỗi tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Năm 2016, cá bống bớp Nghĩa Hưng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác nhận là 1 trong 69 chuỗi nông sản sạch được giới thiệu với người tiêu dùng.
Mô hình nuôi cá bống bớp ở huyện Nghĩa Hưng, Nam Định.
Hiện trung bình mỗi ngày, toàn huyện Nghĩa Hưng xuất bán hàng trăm tấn cá bống bớp, cung ứng cho thị trường nội tỉnh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá.
Và hiện tại cá bống bớp đang là sản phẩm được tỉnh Nam Định định hướng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhưng với cách nuôi truyền thống, cộng với việc quản lý nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh còn yếu, vùng nuôi cá bống bớp đang đứng trước cách cửa xuất khẩu với những thách thức rất lớn.
Tìm đường đi chính ngạch
Theo đó, sản xuất thủy sản của Nam Định luôn tăng trưởng bình quân 8 – 9,5%/năm. Năm 2019, giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 32,4% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Nhiều sản phẩm thủy sản chủ lực của Nam Định phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Điển hình là cá bống bớp, tép sấy khô hay thủy sản khai thác như cá thu, cá đao, mực… Hiện nay, những mặt hàng này đều chưa có tên trong danh mục sản phẩm và doanh nghiệp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Bà Hoàng Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, từ cuối tháng 3/2020, đơn vị đã có văn bản gửi các cơ quan của Bộ NN-PTNT, tìm sự trợ giúp tháo gỡ khó khăn cho việc xuất khẩu thủy sản vào thị trường Trung Quốc.
Theo bà Nga, trên thực tế, do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 cũng như việc chính sách biên mậu của Trung Quốc thay đổi đã và đang tác động không nhỏ tới sản xuất, đánh bắt thủy hải sản của địa phương. Nhiều sản phẩm gần như đóng băng, không thể xuất khẩu dù theo đường tiểu ngạch suốt nhiều tháng qua.
Tỉnh đề nghị các đơn vị của Bộ NN- PTNT, báo cáo để xem xét và đề nghị cơ quan có thẩm quyền Trung Quốc đưa các sản phẩm thủy sản của địa phương này vào danh mục xuất khẩu chính ngạch.
Đồng thời, đề nghị cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT cử cán bộ phối hợp với địa phương hướng dẫn các cá nhân, doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi đáp ứng các điều kiện xuất khẩu. Trong đó, tập trung xây dựng mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc, mẫu mã sản phẩm. Đặc biệt là quản lý chất lượng sản phẩm, kiểm soát tồn dư các chất độc hại trong sản phẩm.
Hiện nay cá bống bớp đang được Nam Định định hướng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Mới đây, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) đã có văn bản phản hồi những đề nghị của tỉnh Nam Định. Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết, để các mặt hàng thủy sản nói chung, cần tuân thủ 3 yêu cầu chính.
Đó là, sản phẩm phải được sản xuất tại cơ sở sơ chế, chế biến nằm trong danh sách xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Bao gói, ghi nhãn phải có đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm cũng phải kèm theo chứng thư an toàn thực phẩm do cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp.
Cũng theo văn bản phản hồi, Bộ NN- PTNT vẫn đang tiến hành rà soát, tổng hợp và đề xuất danh mục sản phẩm cũng như các cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch qua các cặp cửa khẩu biên giới Việt - Trung.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản của Nam Định cần phải được tiến hành kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm theo quy định của cả Việt Nam và Trung Quốc.
Về việc cấp mã số vùng nuôi, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản này cho biết, theo Luật Thủy sản, Chi cục thủy sản địa phương hoàn toàn có quyền làm việc này. Thời gian tới, Cục đề nghị ngành NN-PTNT Nam Định cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định xuất khẩu để người dân, doanh nghiệp liên quan nắm rõ.
Hạ Vy