Ngày 23/7 đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến "Nhận diện đa cấp bất chính-Hành lang pháp lý thúc đẩy bán hàng đa cấp tại Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam phối hợp với báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Buổi tọa đàm được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng sự tham gia, đóng góp ý kiến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Sự kiện được tổ chức với mục đích tìm ra tiếng nói và giải pháp chung giúp thị trường kinh doanh đa cấp ngày càng ổn định, phát triển, tương xứng với tiềm năng của thị trường Việt Nam.
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh doanh đa cấp là hình thức hợp pháp tại các quốc gia công nghiệp. Thực tế bán hàng đa cấp là một phương thức bán hàng được thừa nhận bởi pháp luật Việt Nam, cách đây 15 năm Việt Nam đã chính thức có quy định về loại hình này. Đáng nói, thời gian qua việc bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã và đang bị hiểu nhầm và gây ra nhiều tranh cãi.
Hệ thống đa cấp bất chính Thiên Ngọc Minh Uy tiếng tăm một thời
Bà Trương Thị Nhi, Chủ tịch Hiệp hội bán hàng đa cấp tại Việt Nam cho biết, trong suốt 15 năm qua, bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã chịu rất nhiều thiệt thòi, khó khăn, sức ép, ngoài việc bị cạnh tranh chất lượng, thị trường, giá cả thì ngành hàng còn bị sức ép rất lớn từ dư luận. Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính đã được Bộ Công thương cấp phép hoạt động và được thể hiện rõ ràng trên website. Mặc dù vậy, một số bộ phận người tiêu dùng và dư luận vẫn hiểu sai và đánh đồng với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được cấp phép. Mong rằng trong thời gian tới, ngành bán hàng đa cấp sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, bảo vệ từ các cơ quan quản lý, đưa ngành hàng trở về đúng với giá trị thực của mình.
Giống như các phương thức bán hàng khác, mục tiêu của bán hàng đa cấp là đưa hàng hóa từ nhà sản xuất trực tiếp đến tay người tiêu dùng nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Bán hàng đa cấp chân chính là rất cần thiết, góp phần thúc đẩy bán hàng ở Việt Nam cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tuy nhiên bên cạnh những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính có không ít doanh nghiệp kinh doanh bất chính, chiếm đoạt tiền của người tiêu dùng gây bức xúc trong xã hội. Nhận diện hoạt động đa cấp bất chính, ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Đến năm 2018, Nghị định 40/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Đa cấp bất chính có 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh bán hàng đa cấp; sử dụng mô hình bán hàng đa cấp để huy động vốn, tiền ảo; không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Bán hàng đa cấp ở Việt Nam được sự quản lý đúng đắn của Bộ Công Thương cũng như việc ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, giúp mang lại những thay đổi mang tính đột phá với nhiều điều kiện và tiêu chí cụ thể rất nghiêm ngặt. Chỉ có những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chuyên nghiệp, bài bản, có năng lực, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chuẩn mới có thể được cấp giấy phép và tiếp tục hành lang pháp lý này trong các hoạt động kinh doanh của mình để hướng tới phát triển kinh doanh lành mạnh, ổn định.
Hà Anh