Ý tưởng của họ là để dụ những quả trứng từ cá tầm đang bị đe dọa tuyệt chủng sinh sản vô tính thông qua một quá trình gọi là gynogenesis. Đây là quá trình sinh sản vô tính đòi hỏi sự hiện diện của tinh trùng mà không có sự đóng góp thực sự của DNA của tinh trùng đó.
Quá trình này rõ ràng không hoàn toàn theo kế hoạch. Dường như DNA đã được truyền đi, vô tình dẫn đến một loại cá hoàn toàn mới.
Những sinh vật trông kỳ quặc này là sự pha trộn kỳ quái của hai loài có vẻ ngoài khác nhau, có thể chưa bao giờ tiếp xúc nếu con người không can thiệp.
Hình trên cùng là cá tầm Nga điển hình; hình dưới cùng là của một con cá mái chèo Mỹ. Hai hình ảnh ở giữa là hai thí dụ lai của cả hai loài. Ảnh: Genes
Cá tầm Nga kiếm ăn dọc theo các tầng của biển, hồ và sông ở phía đông châu Âu, Serbia và Trung Đông. Chúng không được tìm thấy ở Mỹ, thậm chí chưa từng được giới thiệu ở đây.
Còn cá mái chèo Mỹ, đúng như tên gọi của chúng, có thể được tìm thấy ở các con sông của Mỹ, sử dụng mõm hình mái chèo dài bất thường để đào tìm thức ăn trong bùn.
Loài cá lai tạo mới này một nửa giống mẹ và nửa giống cha. Có con sở hữu vây cá tầm cổ điển nhưng lại có miệng của cá mái chèo háu ăn điển hình. Những con khác trông giống cá tầm hơn là cá mái chèo.
Nhà sinh thái học dưới nước Solomon David nói với tờ New York Times: "Tôi đã thực sự không tin vào mắt mình khi nhìn thấy nó. Nhưng đó là sự lai tạo giữa cá tầm và cá mái chèo, không còn cách lý giải nào khác".
Điều đó có vẻ như không thể, nhưng thật ra chúng có những điểm tương đồng đáng chú ý. Cả hai loài được gọi là hóa thạch sống, giống như cá sấu, vì chúng đã thay đổi rất ít trong suốt lịch sử tiến hóa của mình. Cả hai đều có chung một tổ tiên sống trong thời đại khủng long.
"Những hiện tượng này có thể dẫn đến sự tương đồng, tương thích và linh hoạt cao hơn giữa các bộ gen và cho phép sự lai tạo giữa cá tầm Nga và cá mái chèo Mỹ bất chấp khoảng cách lớn về địa lý, sinh lý và hình thái", các tác giả lập luận.
Chính sự lai tạo này là một khám phá, nhóm nghiên cứu cho biết thêm, vì các phép lai khác giữa các phân loài tương tự có khoảng cách xa trước đây đã thất bại.
Những con cá mới này có thể không sinh sản, giống như các giống lai khác, nhưng chúng dường như sống sót với tỷ lệ tương tự như cá mái chèo Mỹ. Một số vẫn còn sống và bơi cho đến ngày hôm nay.
Các nhà khoa học không có kế hoạch tạo ra thêm bất kỳ loài cá lai nào, nhưng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu cách cá tầm và cá mái chèo sinh sản với hy vọng có thể cứu những con cá này khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Ngày nay, cả hai loài cá này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chỉ trong năm nay, cá mái chèo Trung Quốc đã tuyệt chủng và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế báo cáo rằng cá tầm "nguy cấp nghiêm trọng hơn bất kỳ nhóm loài nào khác".
Hy vọng các nhà khoa học đang đi đúng hướng. Nghiên cứu của họ vừa được công bố trên tạp chí Genes.
Mẫu vật cá tay trơn duy nhất mà con người thu thập từ chuyến thám hiểm vào đầu những năm 1800 - Ảnh: Bộ sưu tập cá quốc gia Úc
Mới đây, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế cũng thông báo loài cá tay trơn đã chính thức tuyệt chủng do môi trường sống bị suy giảm, ô nhiễm và các hoạt động đánh bắt của con người.
Đây là loài cá biển đầu tiên tuyệt chủng trong thời hiện đại và có thể sẽ không phải là loài cuối cùng.
Cá tay trơn (Sympterichthys unipennis) sống ở tầng đáy biển, là một trong 14 loài cá sống ở vùng biển này sử dụng vây ngực để “đi bộ”.
Cá tay trơn được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1800 trong một cuộc thám hiểm khoa học, nhưng vì sống ở tầng đáy, chúng khó sống sót trong điều kiện nuôi nhốt, chỉ có thể sống ngoài tự nhiên.
Theo các nhà nghiên cứu ở tổ chức bảo tồn phi chính phủ Fauna and Flora International, đây là lần đầu tiên một loài cá biển biến mất trên Trái đất ở thời hiện đại.
Các nhà khoa học cảnh báo loài người nên đặc biệt chú ý đến sự tồn vong của các loài động vật biển hơn nữa, vì đây có thể không phải là loài cá vây tay nói riêng và động vật biển nói chung sẽ tuyệt chủng.
Khi cuộc sống càng hiện đại, công cụ đánh bắt cá càng phát triển thì việc khai thác nguồn lợi từ đại dương của con người càng khó kiểm soát.
Những ngành công nghiệp hóa đại dương từ đánh bắt, khai thác, thăm dò dầu khí, vận chuyển và phát triển cơ sở hạ tầng đều dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng cao đối với động vật hoang dã nơi đại dương.
Rất nhiều loài có thể sẽ tuyệt chủng trước khi loài người kịp nghiên cứu và hiểu về vai trò của chúng trong hệ sinh thái.
Minh Nhật