Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ: Tổng diện tích thả nuôi thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 3.310 ha (tăng 2% so với cùng kỳ), thu hoạch đạt sản lượng trên 85.510 tấn.
Trong đó, diện tích nuôi cá tra toàn thành phố hơn 567 ha, đã thu hoạch được 50% diện tích với sản lượng 62.400 tấn.
Tuy nhiên, ngành hàng cá tra lại bị giảm giá mạnh ở nhiều tháng qua. Hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu tại ao của nông dân dao động từ 17.500 - 18.500 đồng/kg (kích cỡ 700 - 800 gr/con). Trong khi giá thành đầu tư bình quân 23.700 – 24.400 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 5.000 – 6.500 đồng/kg.
Người nuôi cá tra tại Cần Thơ tiếp tục báo lỗ từ 5.000 – 6.500 đồng/kg
Theo ông Hè, để ngành hàng cá tra tiếp tục phát triển, cần đẩy mạnh vùng nuôi áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP. Qua đó, cung ứng sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Ðến nay, thành phố Cần Thơ có 2 HTX nuôi cá tra với diện tích 27 ha. Có 35 hộ tham gia liên kết với các nhà máy chế biến với diện tích gần 100 ha và 9 doanh nghiệp trực tiếp nuôi gần 130 ha.
Trước đó vào đầu tháng 6, người nuôi cá tra tại Cần Thơ cũng báo lỗ, giá cá tra nguyên liệu chạm đáy. Cụ thể, cá thương phẩm vượt kích cỡ (size lớn) hiện có giá từ 17.000-18.000 đồng/kg với hình thức trả tiền ngay sau khi bán cá. Còn nếu thanh toán sau một tháng là 19.000 đồng và sau ba tháng là 19.500 đồng/kg.
Trước khó khăn trên, nhiều nông hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ vẫn thả cá giống, nhưng không cho ăn để giảm chi phí.
Cùng với đó, giá cá giống cũng đang ở mức rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cá giống chịu lỗ từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá thành sản xuất.
Ở khâu chế biến, ngành cá tra vẫn chưa có sản phẩm đột phá nào. Nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng quay lại thị trường trong nước khi giá xuất khẩu giảm mạnh.
Các doanh nghiệp chế biến cá tra theo hình thức đông lạnh và cắt khúc đối với cá trọng lượng lớn (2-3 kg/con) đưa đi giới thiệu tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc để tiêu thụ.
Dù bán với giá rất thấp, nhưng người nuôi cá tra vẫn chấp nhận vì nếu để lâu sẽ càng lỗ nặng bởi cá quá lứa, hệ số tiêu thụ thức ăn rất cao. Theo Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, hiện cá tra thương phẩm nông dân đang lỗ tới 5.000 đồng/kg.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tạo mọi điều kiện để thúc đẩy tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa
Bàn về giải pháp tiêu thụ cá tra, như Thương hiệu & Sản phẩm đã đưa tin, trong năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết tâm cùng với các doanh nghiệp, các địa phương mở tiếp những thị trường mới đầy tiền năng, đặc biệt là phải thị trường nội địa. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, với thị trường nội địa 100 triệu dân này, đây mới là thị trường bền vững lâu dài. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, chỉ cần nội địa tiêu thụ được 10%-20% sản lượng cá tra thì sẽ giảm áp lực cho xuất khẩu đang khó khăn hiện nay.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng tạo mọi điều kiện trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, các siêu thị, hệ thống phân phối trong nước để sản xuất, phân phối, tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường nội địa, giúp ngành cá tra không bị lệ thuộc và chịu áp lực vào các thị trường xuất khẩu.
Minh Nhật