Tàu của ngư dân phường Quỳnh Phương - Nghệ An liên tiếp trúng những mẻ cá trích lớn. Ảnh: Thanh Thuỷ |
Vào ngày 16/2 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán), tại cảng cá Quỳnh Lập - Nghệ An, hàng chục tàu bè của ngư dân đã tấp nập cập bến sau những chuyến “mở biển” đầu năm đánh bắt hải sản, mang về nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp ra thị trường.
Với ngư dân, chuyến biển đầu năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chứa đựng nhiều mong muốn, ước nguyện cho một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy thuyền.
Trở về sau chuyến đánh bắt trên biển, ngư dân Phan Văn Tuy, chủ tàu cá NA-99678-TS phấn khởi chia sẻ, hôm nay là chuyến “mở hàng” đầu tiên trong năm mới, tàu ra khơi từ mồng 5 Tết, đánh bắt được hơn 30 tấn cá cơm, giá thương lái thu mua hơn 13.000 đồng/kg, thu về được gần 400 triệu đồng. Những ngày đầu năm, số tàu ra khơi còn ít, nên cá cơm được các cơ sở hấp sấy trên địa bàn thu mua với giá khá cao.
Còn ngư dân Nguyễn Phúc Hanh, chủ tàu cá NA-90155-TS vui mừng cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên từ mùng 4 Tết, tàu của gia đình đã ra khơi. Ngay chuyến biển đầu tiên, đã đánh bắt được hơn 20 tấn cá cơm và một số tôm, mực. Chuyến mở biển thành công khiến anh em bạn thuyền đều phấn khởi, bởi có thêm khoản thu nhập không nhỏ sau kỳ nghỉ Tết.
Chuyến biển đầu năm đầy ắp tôm cá của tàu ông Lê Cư (cảng Tân Phước, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Sáng 15/2, tại bãi Hương Biển (TT.Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), hơn chục chiếc thúng máy, đò vào bờ mang lộc biển đầu năm. Ông Nguyễn Văn Bảy (KP.Hải Phong 1) cho biết, năm nay gió nhiều nên đến mùng 6, thúng nhà ông mới xuất hành đi biển. Ông đi vào lúc khuya khoảng 1h, đến sáng 7h30 vào bờ, được hơn 20kg cá, mực, tôm các loại, bán được khoảng 2 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn, ông lời được 1,8 triệu đồng.
“Lộc biển chuyến đầu năm như vậy là ngư dân chúng tôi mừng lắm. Chỉ mong năm nay thời tiết thuận lợi, đi biển an toàn và ngày nào cũng trúng được như hôm nay”, ông Bảy cười nói.
Tại cảng Tân Phước (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cá của ông Lê Cư cũng vừa cập bến với tôm cá đầy khoang. Cả một góc cảng nhộn nhịp với nhân công hối hả chuyển cá lên bờ, thương lái đã chực chờ sẵn vận chuyển cá lên xe đưa đi bán khắp trong tỉnh và lên TP. Hồ Chí Minh cung cấp cho các chợ đầu mới. Lộc biển đầu năm của tàu ông Lê Cư được hơn 5 tấn cá mèo, đổng, mối, cá mồi, ghẹ,…
“Tôi đi biển xuyên Tết, từ 29/1 nay mới vào chuyến đầu năm. Thời điểm này nguồn cung còn khan hiếm, nên giá cá, hải sản tăng 20%. Ước tính doanh thu khoảng từ 250-300 triệu đồng, sau khi trừ phí tổn, lợi nhuận được khoảng 100 triệu đồng”, ông Cư cho biết.
Ngư dân thu về nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao. |
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, thời tiết thuận lợi, ngư dân các xã bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Bình phấn khởi ra khơi. Sáng 15/2 (tức mùng 6 Tết Nguyên đán), tại các xã bãi ngang ven biển huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), hàng chục tàu bè công suất nhỏ của ngư dân đã tấp nập cập bến sau những chuyến “mở biển” đầu năm đánh bắt hải sản, mang về nguồn thực phẩm tươi sống cung cấp ra thị trường. Với ngư dân, chuyến biển đầu năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, chứa đựng nhiều mong muốn, ước nguyện cho một năm gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, tôm cá đầy thuyền.
Trở về sau chuyến đánh bắt trên biển, ngư dân Nguyễn Văn Thọ (SN 1966, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch) phấn khởi chia sẻ, hôm nay là chuyến “mở hàng” đầu tiên trong năm mới, tàu đánh bắt được gần 3 tạ cá trích, giá thương lái thu mua hơn 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi thuyền viên thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng.
Còn ngư dân Phạm Thanh Hồng (SN 1970, trú xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch), chủ tàu cá có công suất 30 CV vui mừng cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên từ mùng 4 Tết, tàu của gia đình đã ra khơi. Tàu đánh bắt bằng lưới 3 lớp, khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao, như: tôm tít, ghẹ xanh, mực, các chai... Ngay chuyến biển đầu tiên, đã đánh bắt được hơn 100kg cá, tôm, thu về hơn 10 triệu đồng. Chuyến biển sáng nay, tàu tiếp tục cập bến mang về gần 150kg cá, tôm các loại, thương lái thu mua ngay tại bến được gần 15 triệu đồng.
Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, ngư dân các xã bãi ngang ở Thanh Hóa đang phấn khởi vươn khơi đón "lộc biển".
Ngày 12/2 (tức mồng 3 Tết Nguyên đán), tại các xã ven biển của huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thành phố Sầm Sơn... hàng trăm bè mảng của ngư dân đã tích cực bám biển, khai thác gần bờ để cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống cho thị trường, kiếm thêm thu nhập.
Ngư dân Nguyễn Văn Long ở xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) cho biết: "4 giờ sáng, tôi cùng con trai bắt đầu chuẩn bị ngư lưới cụ lên bè mảng để ra biển đánh bắt. Sau 4-5 giờ thả lưới, trừ chi phí cũng mang về gần 2 triệu đồng cho chuyến "mở biển" đầu năm mới".
Những chuyến ra khơi ngày đầu năm mới của các ngư dân xã bãi ngang, chủ yếu là đi lưới gần bờ, đánh bắt các loại hải sản như cá khoai, tôm tít, ghẹ xanh, cá đục, tôm, mực… Theo chia sẻ của ngư dân, bè mảng nhỏ lại đánh bắt cách bờ 4-5 hải lý nên chỉ tốn khoảng 100.000-150.000 đồng tiền dầu trong khi giá hải sản những ngày đầu năm mới đang giữ ở mức cao nên bà con ngư dân rất phấn khởi. Nhiều ngư dân có thể thu tiền triệu sau vài giờ "xông biển" đầu năm.
Ngư phủ Sóc Trăng chuẩn bị ngư cụ cho chuyến ra khơi đánh bắt đầu năm. Ảnh: Phương Anh |
Sau những ngày vui xuân đón Tết bên gia đình, ngư dân tỉnh Sóc Trăng lại tất bật ra khơi đánh bắt đầu năm với hi vọng thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền.
Ngư dân Huỳnh Văn Mạnh ở thị trấn Trần Đề đang cùng các bạn tàu sắp xếp lưới cá để ngày 16.2 (tức mùng 7 tết) ra khơi.
Theo ông Mạnh, ngư dân ở đây khởi hành đầu năm vào mùng 6 Tết. Tuy nhiên cũng có người chọn mùng 7, mùng 8 hay mùng 9 vì đây là những ngày “đẹp”.
“Chuyến biển cuối năm vừa rồi lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Do đó, tôi cũng như các bạn tàu ăn tết phấn khởi hơn. Nhờ thế, có tiền để chuẩn bị cho chuyến biển đầu năm”, ông Mạnh phấn khởi cho biết.
Ngư dân Trần Văn Thân ở tỉnh Phú Yên cho biết tàu của ông cập Cảng Cá Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) trước Tết Nguyên đán hiện đang nhập nhiên liệu, nhu yếu phẩm và kiểm tra lại trang thiết bị máy móc, ngư cụ để sẵn sàng vươn khơi đánh bắt.
“Bạn tàu cũng đã tập hợp đầy đủ chỉ chờ giờ xuất hành đến ngư trường Côn Đảo để đánh bắt”, ông Thân nói.
Ngày đầu năm, nhiều tàu cá ngư dân Phú Yên và Khánh Hòa khai thác cá ngừ đại dương xuyên Tết Giáp Thìn đã về cảng với “cá nặng đầy khoang”.
Tàu cá PY 95345 TS của ngư dân Phạm Lộc đã cập cảng Phú Lạc (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) sau 18 ngày khai thác xuyên Tết trên biển. Chủ tàu và ngư dân phấn khởi khi chuyến biển này thu về gần 30 con cá ngừ đại dương trọng lượng từ 40kg trở lên, đặc biệt có 1 con cá ngừ mắt to quý hiếm nặng gần 100kg.
Vừa kéo cá ngừ từ dưới khoang tàu lên bờ, ngư dân Phạm Lộc phấn khởi nói: “Chuyến này ăn Tết và đánh bắt trên biển có năng suất như vậy cũng mừng. Sau khi bán cá, chúng tôi sẽ chia tiền công cho ngư dân đi cùng để về đón Tết muộn ở nhà. Năm mới chỉ cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, thu hoạch được thêm nhiều cá và giá bán được cao hơn”.
Là một trong những tàu cá cập cảng đầu tiên, ngư dân Trần Thanh Quang (ở thành phố Nha Trang) vui mừng cho biết: “Tàu ra khơi vào ngày 15 tháng Chạp âm lịch và cập cảng vào mồng 5 Tết, sản lượng đạt khoảng 16 tấn cá các loại. Sau khi trừ chi phí, tôi và các bạn thuyền khác đều có lộc biển đầu năm. Anh em ai cũng phấn khởi vì có tiền tiêu Tết muộn với gia đình”. Không chỉ tàu anh Quang, nhiều tàu ngư dân Khánh Hòa vươn khơi bám biển cũng rút ngắn thời gian đi biển nhờ trúng luồng cá, từ đó giảm các chi phí mua xăng dầu và ngày công lao động.
Trong năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,86 triệu tấn, tương đương với năm 2022 trong khi mục tiêu của ngành là phải giảm được sản lượng còn 3,68 triệu tấn để đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn lợi.
Lý giải về việc thời gian qua số lượng tàu thuyền đã có xu hướng giảm nhưng sản lượng đánh bắt không giảm, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng phòng Quản lý tàu cá và Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, Cục Thủy sản phân tích: “Năm nay, bão gió ít, nghề nghiệp hoạt động bình thường. Tuy nhiên số lượng tàu thống kê lại thì giảm, tàu quá niên hạn, hỏng chứ không có chương trình nào để thu, phá dỡ tàu hay bán đi, chỉ giảm theo tuổi thọ. Con số giảm bởi vì rà soát. Sản lượng như năm ngoái, chuỗi cung ứng đứt gãy ở giai đoạn cuối nên xuất khẩu vẫn chưa như kỳ vọng”.