Sau hơn 14 năm thi công, ngày 8/8 dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội chính thức chạy tàu ở đoạn trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy, dài 8,5 km.
Sau tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động, cung cấp cho người dân một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.
Ngày đầu vận hành, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vận chuyển hơn 34.000 lượt hành khách. |
Mặc dù 8h sáng mới đến giờ chạy tàu nhưng từ 7 giờ sáng ngày 8/8, ga tàu trên cao tại Cầu Giấy (ga S8 - xuất phát đi Nhổn) đã có rất đông người dân lên chờ để được đi tàu.
Đến gần 8h, hai bên hành lang chờ tàu, khách đứng kín chỗ. Khi chuyến tàu đầu tiên mang màu sắc xanh hồng và đầu tàu có biểu tượng Khuê Văn Các trườn tới, 4 toa tàu với sức chứa hơn 900 hành khách kín chỗ chỉ trong 2 phút tàu đến.
Theo thống kê từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hết ngày đầu tiên lượng khách đi tàu đã phá kỷ lục của đường sắt Cát Linh – Hà Đông với 34.184 lượt hành khách sử dụng (tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã dừng lại ở 25.680 hành khách trong ngày đầu vận hành).
Điều đặc biệt là đoạn tuyến Nhổn – Cầu Giấy chỉ dài có 8,5km, với 8 ga; trong khi tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông dài 13,1km với 12 ga. Mặt khác, ngày đầu tiên tuyến Nhổn – Cầu Giấy đi vào vận hành là ngày thường.
Nhiều người dân xếp hàng tại quầy để mua vé lên tàu. |
Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết: Hà Nội đang triển khai đề án tích hợp vé cho vận tải hành khách công cộng, xe buýt với đường sắt đô thị, sau này cả taxi và grab. Mới đây, thành phố đã tiến hành thử nghiệm đề án này.
Vé của tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được thực hiện theo thiết kế của dự án, có tính mở, sau này có thể tích hợp được với các tuyến đường sắt đô thị khác, xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác. Tuy nhiên, vé tháng của tuyến đường sắt đô thị này khác với tuyến Cát Linh – Hà Đông là có nhận dạng nên phải đúng người thì mới có thể sử dụng được, hạn chế việc cho người nhà mượn vé.
Được biết, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội được thiết kế đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Đoạn trên cao được vận hành từ Nhổn đến Cầu Giấy bao gồm 8 ga từ S1 đến S8, lần lượt là các ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại Học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.
Các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Mái kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể “tự làm sạch” khi trời mưa. Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hoà giữa thảm cây xanh, hệ lam hắt chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình, đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga.
Việc nạp tiền vào thẻ có thể được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy bán vé. Mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô. Mọi lối lên khu vực đi tàu đều có biển chỉ dẫn. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được hoàn thiện và trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt.
Trong 3 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ mở tuyến từ 5 giờ 30 phút để đón khách và kết thúc vào lúc 22 giờ hàng ngày, tàu chạy đều đặn 10 phút/chuyến. Riêng ngày đầu tiên vận hành (8/8), tàu bắt đầu đón khách từ 8 giờ.
Trong thời gian tiếp theo, tùy theo nhu cầu hành khách, đơn vị vận hành sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách trên tuyến. Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội.
Sau thời gian miễn phí, tàu có vé lượt là 12.000 đồng, giá vé ngày là 24.000 đồng (đi không kể lượt).