Năm 2020, ngành NN&PTNT đã nỗ lực vượt khó trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa phát triển vừa phòng chống dịch bệnh.
Trong năm 2020, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD, trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%, thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người.
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục hơn 41 tỷ USD trong năm 2020 |
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong khó khăn, nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, phấn đấu vươn lên phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Sản lượng lúa đạt 42,7 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã nâng giá gạo xuất khẩu bình quân tăng từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020.
Diện tích cây ăn quả đạt 1,1 triệu ha, tăng 40 nghìn ha so với năm 2019; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực (xoài, thanh long, cam, bưởi,... ) sản lượng tăng từ 4 - 9% so với năm 2019.
Về chăn nuôi, đã chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng phòng, chống dịch bệnh.
Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu bình quân lên 496 USD/tấn |
Bộ NN&PTNT cho biết sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm được ưu tiên. Mở rộng, phát triển mạnh mẽ các vùng chuyên canh sản xuất, gắn với chế biến quy mô lớn, có truy suất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý.
Vì vậy, sản lượng các loại nông sản vẫn duy trì xu hướng tăng, đáp ứng dồi dào nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong năm 2021, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu trên 42 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,7 - 3%.
Để đạt mục tiêu tiêu này, ngành nông nghiệp thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông sản đến năm 2030. Phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc cấp mã số vùng nuôi, trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn với chỉ dẫn địa lý. Xây dựng phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm chủ lực.
Cùng với đó phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu (lúa gạo, thịt lợn, rau quả, thủy sản, đường, muối) để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu; nâng cao chất lượng dự báo thị trường và kịp thời thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.