Loại lá người Việt thường bày thắp hương có nhiều tác dụng với sức khỏe Những loại hạt ngày Tết tốt cho sức khỏe Các loại trà tốt cho sức khỏe |
Lý do nhiều người hay ăn canh khổ qua vào dịp đầu năm mới
"Khổ qua" có nghĩa là nỗi khổ đã qua, mọi điều tốt lành sẽ đến. |
Khổ qua là một loại rau quả quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam. Canh khổ qua hay canh khổ qua nhồi thịt là món ăn truyền thống thường xuất hiện trong mâm cỗ Tết của nhiều gia đình Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam. Mặc dù có vị đắng đặc trưng, nhưng khổ qua lại được lòng các thực khách nhờ mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Theo quan niệm dân gian, việc ăn khổ qua vào đầu năm mới mang ý nghĩa "khổ tận cam lai", tức là những điều khổ sở, không may mắn sẽ qua đi, nhường chỗ cho những điều tốt đẹp, may mắn và hạnh phúc sẽ đến trong năm mới. Vị đắng của khổ qua còn được xem là biểu tượng của sự thử thách, người ta hy vọng rằng bản thân có thể vượt qua khó khăn để đón nhận những điều tốt đẹp, như cách mà vị đắng của khổ qua nhường chỗ cho hậu vị ngọt thanh của chính nó.
Bên cạnh đó, người Việt cũng tin rằng ăn khổ qua vào dịp Tết sẽ giúp xua đuổi tà ma, mang lại may mắn và bình an cho gia đình trong suốt cả năm. Ngoài ra, màu xanh mát của khổ qua cũng biểu tượng cho sự sinh sôi, phát triển, mang lại nguồn năng lượng tích cực cho năm mới.
Những lát khổ qua nhồi thịt đầy đặn tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc, mong muốn một năm mới dồi dào sức khỏe và tài lộc. Chính vì những điều này mà canh khổ qua hay canh khổ qua nhồi thịt trở thành món ăn cầu chúc sức khỏe, bình an và may mắn cho gia đình trong năm mới.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ (Trưởng Đơn vị điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM cơ sở 3) cho biết, canh khổ qua nhồi thịt không chỉ là món ăn mà còn là vị thuốc giúp mát và bổ cho cơ thể. Đây còn là món ăn khá cân đối giữa chất xơ và đạm, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khổ qua rất nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng nhưng lại ít năng lượng. Ăn khổ qua sẽ giúp giảm cân hiệu quả. Các vi chất dinh dưỡng trong khổ qua gồm: vitamin A, B, C, canxi, kali, phốt pho, kẽm, đồng, sắt, magiê và chất chống oxy hóa hữu ích như lutein và zeaxanthin. Đây đều là các vi chất cần cho sức khoẻ và giúp tăng cường miễn dịch.
Theo y học cổ truyền, khổ qua vị đắng, lạnh, vào tỳ vị tâm can, tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Trái này dùng cho trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ). Khổ qua nấu chín ăn có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận.
BS CKII. Huỳnh Tấn Vũ lưu ý, dù khổ qua rất tốt cho sức khoẻ nhưng có thể bị đầy bụng, ăn uống khó tiêu, tiêu lỏng. Người có biểu hiện hạ đường huyết thì không nên ăn vì khổ qua có đặc tính hạ đường huyết. Phụ nữ có thai không nên ăn vì có thể gây co thắt tử cung, xuất huyết dẫn tới hư thai hoặc sinh non.
Theo nhà khoa học, Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, canh khổ qua hay còn gọi là mướp đắng nhồi thịt có tác dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, lợi niệu, lương huyết. Theo Đông y khổ qua vị đắng, lạnh; quy vào kinh Tỳ, Vị,Tâm và Can, có tác dụng thanh nhiệt giải thử (làm mát hạ sốt), minh mục giải độc (kháng sinh sáng mắt). Quả và hạt tươi hoặc khô đều có thể dùng làm thuốc, điều trị các trường hợp bị sốt, nóng mất nước, viêm đường niệu, sỏi đường niệu, mụn nhọt, đau mắt, giúp hạ đường huyết, giảm cholesterol máu, làm sáng da, trị mụn nhọt vùng da, hỗ trợ trị các bệnh vẩy nến (dùng làm xà phòng), giúp hỗ trợ giảm cân do ít calo và nhiều chất xơ, tăng cường miễn dịch bền chắc thành mạch và tốt cho xương do cung cấp nhiều vitamin C và K.
Trong quả có chứa glycozit đắng: momordixin, charantin; hỗn hợp các chất thuộc nhóm stigmastadienol; protid, acid amin; lipid và các sắc tố chủ yếu: lycopen; một số vitamin và muối khoáng. Hạt chứa chất béo và chất đắng. Ngoài ra khổ qua chứa các chất alkaloid như quinin và morodicine, nhựa và saponin glycoside, có thể là nguyên nhân gây ra chứng khó dung nạp ở một số người. Chất alcaloid có tác dụng kích thích thần kinh vị giác, tăng sự thèm ăn, mà còn tăng nhu động ruột, giúp ích tiêu hóa nên rất phù hợp khi ăn dịp Tết. Ăn mướp đắng còn có tác dụng giảm đau cho bệnh nhân thoái hóa khớp. Ngoài ra, mướp đắng còn giúp tăng cường miễn dịch, bồi bổ sức khỏe tim mạch, hỗ trợ thị lực…
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho biết, trong quả mướp đắng có chứa hàm lượng vitamin C cao giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn và virus. Mướp đắng còn giúp phòng ngừa được ung thư. Đồng thời, nó giúp cơ thể ngăn chặn quá trình oxy hóa, làm chậm sự lão hóa, hạn chế các nguy cơ bệnh lý về tim mạch, tăng huyết áp, tổn thương thần kinh…
Những "đại kỵ" khi ăn mướp đắng
Khổ qua chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm đường huyết. |
Không ăn mướp đắng với số lượng lớn trong thời gian dài: Rất nhiều người thường xuyên ăn mướp đắng, lấy nó làm lương thực chính. Vì mướp đắng chứa nhiều chất xơ thô, nếu ăn nhiều trong thời gian dài có thể khiến nhu động đường tiêu hóa chậm lại, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
Không uống trà xanh sau khi ăn khổ qua: Ăn món có chứa khổ qua, bạn nên đợi vài tiếng đồng hồ rồi mới uống nước trà, không nên uống nước trà xanh ngay sau khi ăn khổ qua, dạ dày của bạn sẽ bị tổn hại đấy. Đừng nhầm lẫn với trà khổ qua nhé, vì trà khổ qua làm hoàn toàn từ khổ qua sấy khô chứ không phải từ lá trà xanh.
Không kết hợp khổ qua với tôm: Khổ qua tốt cho sức khỏe cùng hàm lượng vitamin C cao, tuy nhiên khổ qua luôn có một vị đắng đặc trưng còn tôm thì lại mang vị ngọt thanh. Vậy liệu rằng vị đắng của khổ qua có thể bị giảm bớt khi nấu chung với tôm hay không? Khổ qua chứa khá nhiều vitamin C nếu ăn cùng các loại thực phẩm có vỏ cứng như tôm, loại động vật có chứa nhiều hợp chất Asen hóa trị 5 thì Asen hóa trị 5 sẽ nhanh chóng biến thành Asen hóa trị 3 (thạch tín) khi gặp vitamin C. Thạch tín là 1 chất độc, cực nguy hiểm cho sức khỏe người dùng nếu tiêu thụ.
Không kết hợp khổ qua với măng cụt: Ăn 2 loại quả này cùng lúc sẽ làm cơ thể bạn khó chịu, hệ tiêu hóa hoạt động kém. Vì thế, nên ăn 2 loại quả này cách thời gian tầm vài tiếng, để cơ thể tiêu hóa xong loại này thì ăn loại khác vào sẽ tốt cho bạn hơn.
Không ăn khổ qua với sườn heo chiên: Khổ qua và sườn heo chiên khi tiêu thụ vào cơ thể dễ tạo ra chất Canxi Oxalate, chất này ngăn cản sự hấp thu canxi của cơ thể bạn. Do đó, đừng ăn chung khổ qua với sườn heo chiên cùng lúc dù cho chúng được chế biến thành 2 món ăn riêng biệt hay nấu chung.
Nhưng ai không nên ăn khổ qua
Phụ nữ không nên ăn mướp đắng trong thời kỳ kinh nguyệt: Mướp đắng là một loại thực phẩm có vị đắng tính lạnh. Nếu phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt ăn quá nhiều mướp đắng sẽ khiến khí huyết đông lại, từ đó gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng đau bụng kinh.
Người bị hạ đường huyết và phụ nữ có thai nên ăn ít: Mướp đắng có chứa chất có thể hạ đường huyết, cho nên những người có triệu chứng hạ đường huyết nên cố gắng ăn ít nhất có thể. Ngoài ra, phụ nữ mang thai nên ăn ít mướp đắng, vì trong mướp đắng có chứa hoặt chất có tác dụng kích thích co bóp tử cung. Tuy lượng chất này không nhiều nhưng để đảm bảo an toàn, phụ nữ mang thai nên ăn ít.
Không nên ăn mướp đắng khi bị tiêu chảy: Bạn không nên ăn mướp đắng khi không khỏe, nôn mửa, tiêu chảy và các vấn đề khác. Điều này là bởi vì mướp đắng có tính lạnh, ăn mướp đắng vào thời điểm này dễ làm bệnh nặng thêm và dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Người thiếu canxi không nên ăn: Mướp đắng có giá trị dinh dưỡng cao, mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng không phải ai cũng thích hợp ăn, người bị thiếu canxi không được ăn mướp đắng. Nếu ăn mướp đắng thì tình trạng thiếu canxi sẽ ngày càng nghiêm trọng. Trong mướp đắng có chứa một loại chất đặc biệt, sau khi vào cơ thể người sẽ phản ứng với canxi, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ canxi của cơ thể. Nếu cơ thể thiếu canxi trầm trọng sẽ dễ dẫn đến loãng xương, không có lợi cho sức khỏe của xương.
Người bị bệnh gan, thận: Người bị bệnh về gan và thận cần tránh ăn mướp đắng vì chúng rất khó tiêu hóa, có thể gây đầy hơi. Những người bị thiếu men G6PD (loại men có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa của tế bào hồng cầu) nên tránh xa loại rau có vị đắng này. Mướp đắng có thể độc hại cho tế bào gan ở thú vật, enzym gan tăng cao sau khi dùng mướp đắng. Các chất trong mướp đắng có khả năng thay đổi hình dáng tế bào gan.
Người bị bệnh thiếu men (enzyme) G6PD: Đây là bệnh di truyền phổ biến do cơ thể không đủ men glucose-6-phosphate giúp tế bào hồng cầu hoạt động bình thường. Người bệnh có thể bị thiếu máu, đau đầu, sốt, đau dạ dày, thậm chí bị hôn mê hơn sau khi ăn mướp đắng. Ngoài ra, độc tố vicine trong mướp đắng có khả năng gây ngộ độc tầm đậu (favism), một hội chứng cấp tính gây ra triệu chứng nhức đầu, đau thắt bụng và hôn mê.
Người vừa phẫu thuật: Nhiều chuyên gia cho rằng mướp đắng có thể cản trở quá trình kiểm soát lượng đường huyết trong và sau khi phẫu thuật. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên ngừng ăn mướp đắng ít nhất 2 tuần trước và sau thời gian phẫu thuật dự kiến.