Người bệnh tim, tiểu đường nên ăn bánh chưng như thế nào để đảm bảo sức khỏe? 5 địa chỉ mua bánh chưng ăn Tết ngon "nức nở" ở Hà Nội Ăn bánh chưng thế nào để không tăng cân ngày Tết? |
Ăn bánh chưng bị mốc dễ bị ngộ độc
Khi bánh chưng bị mốc, nấm mốc sẽ sản sinh ra các loại độc tố, đặc biệt là aflatoxin. |
Theo phong tục truyền thống, trên bàn thờ mỗi gia đình vẫn có cặp bánh chưng để thắp hương trong những ngày Tết và khi hết Tết mới được hạ xuống. Việc không được bảo quản trong tủ lạnh, những chiếc bánh chưng này rất dễ bị mốc. Tuy nhiên, đa số mọi người đều không vứt bỏ mà sẽ sử dụng vì đó là đồ lễ hoặc do tiếc của nên cắt phần bị mốc, ướt ở phía ngoài và tiếp tục sử dụng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho hay, với nhiều thành phần kết hợp trong bánh chưng cộng với thời tiết nồm ẩm của mùa Xuân miền Bắc, bánh chưng rất dễ bị ôi thiu, lên mốc khiến người ăn có thể bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Khi bánh chưng bị mốc, nấm mốc sẽ sản sinh ra các loại độc tố, đặc biệt là aflatoxin. Loại độc tố này rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương gan, thậm chí gây ung thư gan nếu ăn phải trong thời gian dài. Việc ăn phải bánh chưng mốc có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn... Các triệu chứng thường gặp khi ăn phải bánh chưng mốc: ngộ độc thực phẩm, tổn thương gan…
Một số người khi thấy bánh chưng có dấu hiệu mốc thường cắt bỏ phần mốc, giữ phần bánh còn lại để ăn hoặc rán lên ăn. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, dù cắt bỏ phần mốc, độc tố vẫn có thể lan tỏa vào các phần bánh khác, khiến toàn bộ bánh không còn an toàn để ăn.
Với việc chiên rán bánh chưng để hạn chế nấm mốc, các chuyên gia cho rằng điều này là không hiệu quả. |
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi bánh chưng có các dấu hiệu chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì không nên luộc lại mà phải bỏ đi do lúc này vi khuẩn đã xâm nhập, làm hỏng bánh. Ăn vào rất dễ ngộ độc.
Cùng quan điểm trên PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho rằng, thói quen bỏ phần mốc ăn phần chưa mốc của bánh chưng rất thường gặp. Thậm chí, nhiều gia đình cẩn thận, rán kỹ bánh chưng mới sử dụng, vì cho rằng như vậy ăn sẽ ngon hơn và nấu chín lại một lần nữa sẽ an toàn hơn.
“Khi chiếc bánh bị mốc chứng tỏ vi khuẩn đã tấn công sâu vào bên trong mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Không chỉ nấm mốc, một chiếc bánh chưng bị chua đầu, bắt đầu có biểu hiện bị nhớt, chảy nước ra thì chắc chắn chất lượng bánh sẽ không ngon cả về cảm quan và hương vị. Do vậy, khi cắt bỏ phần nấm mốc, hỏng thì nó vẫn còn và gây hại cho sức khỏe”, PGS Lâm cảnh báo.
Với việc chiên rán bánh chưng để hạn chế nấm mốc, các chuyên gia cho rằng điều này là không hiệu quả, vì nhiều loại nấm mốc không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ. Ngược lại, rán bánh chưng với dầu mỡ nhiều, ở nhiệt độ cao sẽ làm biến đổi chất, khi đó sẽ “hại đơn, hại kép” tới sức khỏe.
Hơn nữa, bánh chưng vốn đã nhiều calo, khi rán lượng dầu mỡ nhiều sẽ càng khiến nguy cơ tăng cân hiện hữu. Theo đó, một chiếc bánh chưng có rất nhiều năng lượng (khoảng 2.600kcal, với cỡ bánh trung bình), khi rán bánh cần khá nhiều dầu mỡ (10gram dầu = 90kcal), như vậy năng lượng một chiếc bánh sẽ tăng lên nhiều. Đó chính là nguyên nhân gây tình trạng tăng cân, hơn nữa ăn đồ chiên rán nhiều cũng không tốt cho sức khỏe.
“Bánh chưng giờ có thể mua và ăn quanh năm, do vậy đến tết không nên gói nhiều, chỉ gói với lượng vừa đủ cho gia đình sử dụng. Như vậy, vừa được thưởng thức bánh ngon, vừa không bị nấm mốc, vừa không phải tìm cách chế biến để sử dụng hết”, bà Lâm khuyến cáo.
PGS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn thêm rằng, để bảo quản được bánh chưng lâu, mọi người sau khi luộc chín, cần rửa bằng nước sạch, hết phần nhớt dính bên ngoài. Sau đó để nguội và khô bánh. Nếu sử dụng ngay thì nên bảo quản ở ngăn mát, nếu không nên hút chân không, rồi cấp đông để sử dụng lâu dài.
Bí quyết ăn bánh chưng tốt nhất cho sức khỏe
bánh chưng không phải là thực phẩm tốt cho tất cả mọi người, trong đó có những người mắc bệnh mạn tính |
Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100g bánh chưng cung cấp năng lượng là 181 Kcal; 4,3g chất đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94g sắt; 1,4g kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g.
Trung bình trong 1/4 chiếc bánh chưng đã có khoảng 500 calo, tương đương với khoảng 2 miệng bát cơm. Do đó, ăn nhiều bánh chưng có nguy cơ tăng cân rất cao. Thực tế, bánh chưng không phải là thực phẩm tốt cho tất cả mọi người, trong đó có những người mắc bệnh mạn tính, vì vậy bạn cần lưu ý một số điều sau khi ăn bánh chưng ngày Tết để đảm bảo sức khỏe:
Hạn chế lượng bánh chưng tiêu thụ
Các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý, để tránh tăng cân do ăn bánh chưng, nhất là trong dịp Tết, mọi người cần hạn chế số lượng bánh chưng ăn trong ngày.
Đối với những người bị thừa cân, béo phì, người bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, càng phải hạn chế hoặc kiêng hoàn toàn.
Chỉ nên ăn một miếng nhỏ tương đương với 1/8 cái bánh chưng cỡ vừa cho mỗi bữa ăn. Nếu ăn bánh chưng thì sau đó tuyệt đối không được ăn thêm cơm, xôi hay các thức ăn nhiều tinh bột và protein khác.
Kết hợp đa dạng thực phẩm
Mặc dù bánh chưng là một loại thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cả về chất và lượng nhưng khi ăn bánh chưng chúng ta không nên ăn riêng vì sẽ gây ngán và không tốt cho sức khỏe.
Theo BS. Nguyễn Văn Tiến, bánh chưng thường được ăn kèm với dưa góp, hành muối. Đây cũng là một cách ăn truyền thống rất khoa học của cha ông ta. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, chính vì vậy, khi ăn bánh với dưa góp, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, không bị đầy bụng.
Khi ăn bánh chưng nên ăn kèm trái cây và rau xanh để cân đối tỷ lệ dinh dưỡng. Những món ăn này giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ chuyển hóa chất đường bột nhanh hơn và tiêu hóa tốt hơn.
Hạn chế ăn bánh chưng rán
Bánh chưng rán tuy ngon miệng nhưng nhiều chất béo do sử dụng dầu mỡ để rán vì vậy nên hạn chế ăn bánh chưng rán vì sẽ gây tích tụ thêm chất béo, không tốt cho cơ thể.
Đối với những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch, bệnh thận, ăn nhiều bánh chưng rán còn khiến bạn bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và tăng cân nhanh.
Đặc biệt người có bệnh dạ dày không nên ăn bánh chưng rán, có thể làm cho bệnh lý càng nặng hơn. Khi ăn quá nhiều đồ nếp sẽ khiến dạ dày luôn bị ấm ách khó chịu và dễ bị ợ chua.