Trà - "cứu tinh" cho hệ tiêu hóa ngày Tết Kiểu ăn bánh chưng sau Tết sẽ “hại đơn, hại kép” tới sức khỏe Những loại thịt giúp cải thiện thị lực |
Huyết áp là áp lực của dòng máu trong động mạch, giúp đưa máu đến các cơ quan để nuôi dưỡng cơ thể. Áp lực này được tạo ra từ lực co bóp của tim và sức cản của mạch máu. Bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.
Huyết áp không phải lúc nào cũng ổn định, mà sẽ thay đổi tùy thuộc vào hoạt động, cảm xúc hoặc tình trạng sức khỏe của mỗi người vào thời điểm đó. Một số yếu tố như thay đổi tư thế, uống cà phê, hút thuốc hay bị xúc động có thể làm huyết áp tạm thời tăng lên. Tuy nhiên, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để huyết áp trở lại mức bình thường.
Khi huyết áp tăng cao và duy trì ở mức cao, áp lực quá lớn trong mạch máu có thể gây ra các biến cố tim mạch. Điều nguy hiểm nhất là vỡ mạch máu, đặc biệt nếu xảy ra ở não, có thể dẫn đến xuất huyết não, liệt cơ thể, khó nói, hoặc nặng hơn là lú lẫn, hôn mê.
Nguyên nhân huyết áp tăng đột ngột
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là tình trạng áp lực máu trong cơ thể tăng liên tục, khiến huyết áp tâm thu vượt quá 140 mmHg và huyết áp tâm trương trên 90 mmHg. Trong một số trường hợp, huyết áp cao có thể không có triệu chứng cảnh báo, và chỉ khi bệnh nặng hơn mới bắt đầu xuất hiện dấu hiệu.
Có nhiều nguyên nhân khiến huyết áp tăng đột ngột. Nguyên nhân phổ biến nhất là người bệnh quên uống thuốc, đặc biệt ở người cao tuổi.
Tình trạng tâm lý như giận dữ, kích động, hoặc sốc do gặp phải sự cố bất ngờ cũng có thể làm huyết áp tăng mạnh.
Thói quen ăn uống thay đổi, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ hoặc sự kiện quan trọng, cũng là yếu tố góp phần vào việc tăng huyết áp đột ngột. Việc ăn mặn, uống rượu bia, tiêu thụ chất kích thích như cà phê và thuốc lá đều có thể làm huyết áp tăng cao.
Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc như cocaine, amphetamine, thuốc tránh thai, NSAIDs… có thể làm tăng huyết áp hoặc tương tác với thuốc điều trị tăng huyết áp, làm giảm hiệu quả điều trị.
Dấu hiệu tăng huyết áp đột ngột
Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng huyết áp tăng cao một cách nhanh chóng, có thể đạt mức trên 180 mmHg đối với huyết áp tối đa hoặc trên 120 mmHg đối với huyết áp tối thiểu. Khi huyết áp tăng đột ngột, cơ thể sẽ xuất hiện một số triệu chứng cảnh báo như:
Đau đầu dữ dội, choáng váng và cảm giác xây xẩm mặt mày.
Mờ mắt đột ngột, khó nói, cảm thấy tức ngực, tim đập nhanh bất thường hoặc khó thở. Một số người có thể gặp phải tình trạng chảy máu cam, buồn nôn hoặc nôn.
Tê yếu tay chân, không thể nhấc chân lên, đi lại không vững, dễ té ngã hoặc làm rơi đồ vật.
Miệng méo, cơ mặt lệch sang một bên, thậm chí có thể gặp phải co giật, tinh thần lơ mơ, hôn mê.
Nếu xuất hiện các triệu chứng này, cần thăm khám bác sĩ ngay lập tức để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cách xử lý khi bị tăng huyết áp đột ngột
Khi huyết áp tăng đột ngột, bước đầu tiên là cho bệnh nhân ngồi hoặc nằm nghỉ. Nếu bệnh nhân đang làm việc ngoài trời hoặc ở nơi đông người, nhanh chóng đưa họ vào nơi có bóng râm, mát mẻ, thoáng khí và yên tĩnh. Tránh kích động, tránh ánh sáng mạnh và âm thanh lớn. Cởi bớt quần áo và mũ nón để bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn, sau đó đo lại huyết áp.
Nếu huyết áp tâm thu vẫn trên 140 mmHg nhưng dưới 160 mmHg, có thể theo dõi tại nhà, cho bệnh nhân nghỉ ngơi, hạn chế di chuyển và tiếp tục dùng thuốc theo toa. Đồng thời, cần tránh ăn mặn, hút thuốc, lo âu để huyết áp ổn định. Nếu tình trạng không cải thiện, nên tái khám sớm để bác sĩ điều chỉnh thuốc.
Nếu huyết áp tâm thu trên 160 mmHg, sử dụng thuốc hạ huyết áp đã được bác sĩ tư vấn trước đó. Đây là các thuốc có tác dụng nhanh, thường ở dạng viên ngậm hoặc nhỏ giọt dưới lưỡi. Trong lúc này, bệnh nhân cần nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường và đo lại huyết áp. Nếu huyết áp vẫn cao hoặc không có thuốc hạ huyết áp tức thì, đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nếu bệnh nhân có dấu hiệu như yếu liệt, đau ngực, khó thở, nhìn mờ, chảy máu, mệt mỏi hoặc mê man, cần đưa ngay đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất để được can thiệp kịp thời.
Lưu ý: Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho lời khuyên của bác sĩ. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thực phẩm ngày Tết ảnh hưởng đến giấc ngủ và cách khắc phục |
Giải độc gan ngày Tết với những thực phẩm quen thuộc |
Những loại hạt ngày Tết tốt cho sức khỏe |