Anh nông dân biến xơ mướp thành "vàng" Anh nông dân người Mông trồng cây vàng trên núi Nông nghiệp đô thị tạo ra những tỷ phú năng động |
Phụ phẩm nông nghiệp được người dân Quảng Nam ủ làm phân vi sinh. |
Mỏ vàng đang bị bỏ phí
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phụ phẩm lớn. Nguồn tài nguyên này nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ không chỉ đem lại hiệu qua kinh tế, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong lĩnh vực chăn nuôi, cả nước hiện có khoảng 5-6 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi và 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, chỉ khoảng 20% nguồn thải ra môi trường được sử dụng hiệu quả (làm khí sinh học, ủ phân, nuôi trùn, cho cá ăn...), còn lại 80% thải trực tiếp ra môi trường.
Tương tự trong lĩnh vực trồng trọt, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng, gây ô nhiễm môi trường.
Khai thác hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp sẽ đem lại nguồn lợi nhuận khổng lồ và hạn chế ô nhiễm môi trường. |
Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, trong quá trình sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất chứ chưa quan tâm đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất, chưa quan tâm đến phân bón hữu cơ để bồi dưỡng, tăng kết cấu đất, bảo vệ đa dạng sinh học.
Nhiều cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, gây lãng phí các phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường.
Ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm
Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD năm 2020, nhưng nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng các công nghệ cao thì có thể thu về tới từ 4 - 5 tỷ USD.
Đối với ngành lâm nghiệp, mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 30 triệu m3 gỗ tròn, thải ra 3,4 triệu tấn vỏ, cành, lá và quá trình chế biến tạo ra 2,4 triệu tấn mùn cưa. Các phụ phẩm này được dùng ép viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ… và có thể phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch canh nông.
Tuy nhiên, hiện lượng phụ phẩm để làm viên nén gỗ mới chỉ sử dụng khoảng 15%, trong khi đó theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ trên thế giới tiếp tục gia tăng khoảng 250% trong thời gian tới. Đây tiếp tục là cơ hội để đẩy mạnh phát triển sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu.
Người dân được hướng dẫn quy trình thu gom rơm rạ để ủ làm phân hữu cơ. |
Ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay: "Hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư vào thu gom, sơ chế, chế biến phế, phụ phẩm thủy sản nhưng chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi như: Bột cá, bột đầu tôm, dung dịch protein thủy phân từ đầu tôm.
Ngoài ra, một vài doanh nghiệp đã đầu tư, chế biến sâu các sản phẩm như: Chitosan, chitin từ vỏ tôm, vỏ cua; gelatin, collagen từ mỡ cá, da cá. Đối với phụ phẩm của ngành lâm nghiệp thì thu gom, chế biến thành ván ép, gỗ ép, đệm lót sinh học phục vụ chăn nuôi, ép viên làm chất đốt..."
Phụ phẩm từ ngành trồng trọt có khối lượng lớn nhất, trong đó gần 43 triệu tấn rơm thì mới thu gom, sử dụng khoảng 52,2% vào nhiều mục đích khác nhau, như: Thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng, nguyên liệu trồng nấm, sản xuất phân bón hữu cơ... Phần rơm rạ còn lại chủ yếu được nông dân đốt ngay tại ruộng. Cách làm này vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở khu vực ngoại ô các thành phố lớn.
Từ thực trạng trên cho thấy, cần có chính sách khuyến khích đầu tư chế biến và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp nhằm khai thác hiệu quả ‘mỏ vàng’ bấy lâu bị bỏ phí./.