Loại rau này chủ yếu được biết đến với vai trò là rau gia vị, dùng để kết hợp chế biến trong các món ăn. |
Rau hành hay còn gọi là hành lá, hành hoa có rất nhiều ở Việt Nam. Loại rau này chủ yếu được biết đến với vai trò là rau gia vị, dùng để kết hợp chế biến trong các món ăn. Khi sử dụng cũng chỉ dùng với lượng rất khiêm tốn nhưng ít ai biết hành lá còn là vị thuốc rất tốt, có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết hành lá có tên hoa học là Allium fistulosum L., thuộc họ Hành - Alliaceae. “Trong đời sống, hành lá đa số dùng để cho vào các món canh, ăn sống hoặc muối dưa. Ngoài tạo hương vị, cho hành vào các món ăn còn giúp kích thích tiêu hóa”, lương y Đắc Sáng cho hay.
Không chỉ làm gia vị, hành lá còn là vị thuốc quý trong đông y. |
Theo lương y Sáng, trong đông y hành lá còn có thể dùng làm thuốc, bởi nó có nhiều chất giúp hỗ trợ phòng ung thư, ăn vào khiến tinh thần sảng khoái, minh mẫn hơn. “Hành lá có vị cay - ngọt, tính ấm, quy kinh vào phế, vị. Tác dụng thông khí trệ, lợi thấp, giải cảm, sát trùng… Có thể thấy, hành lá là một vị thuốc tự nhiên rất dễ tìm, khuyến cáo về liều dùng không hạn chế”, ông Sáng chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho biết, các nghiên cứu y học hiện đại chỉ ra rằng trong hành có chất kháng sinh tự nhiên (alicine) giúp diệt khuẩn rất mạnh với một số bệnh như thương hàn, lỵ, tả, bạch hầu…
“Một điều đáng lưu ý đó là để lấy được chất kháng sinh trong hành, nên dùng sống hoặc cho vào các món ăn rồi bắc xuống ngay (hành tái). Bởi chất alicine này sẽ mất dưới tác dụng của nhiệt nếu nấu lâu”, lương y Sáng hướng dẫn.
Muốn tận dụng được kháng sinh trong hành thì phải rất lưu ý cách chế biến. |
Không chỉ chứa kháng sinh tự nhiên, hành lá còn có thể giúp nam giới điều trị chứng xuất tinh sớm, tinh trùng yếu. Cách sử dụng rất đơn giản, chỉ cần dùng hành lá nấu canh ăn 2 lần/ngày sẽ giúp tinh trùng mạnh hơn, tăng cường ham muốn tình dục.
Ngoài ra, với những người bí tiểu tiện cũng có thể dùng hành lá để điều trị. Cách dùng không quá phức tạp, chỉ cần dùng 4 khóm hành giã nát, sao nóng, chườm ở bụng dưới đến khi nguội thay gói khác hoặc kết hợp uống với nước râu ngô. Tác dụng của bài thuốc này là thông khí trệ, lợi thấp.
Đặc biệt, trong đông y còn dùng hành lá để trị bệnh cổ trướng, một trong “tứ chứng nan y”, bao gồm các bệnh: Phong (bệnh phong, cùi), Lao (ho lao, lao phổi), Cổ (xơ gan cổ trướng), Lại (ung thư). “Trước đây khi mắc 4 bệnh này thì chỉ nằm chờ chết. Ngày nay, y học hiện đại đã có thể điều trị được những căn bệnh nan y này”, ông Sáng cho hay.
Không nên ăn hành quá nhiều một lúc và ăn liên tục |
Trong y học cổ truyền, nguyên nhân gây ra cổ trướng là tỳ vị không vận hóa được thủy thấp, làm cho vật thực và nước tích chứa trong tạng phủ gây cổ trướng (bụng căng lên như cái trống).
"Trước đây, hành đã được sử dụng để chữa khỏi cho nhiều người có triệu chứng bụng căng trướng, chân, mặt sưng phù. Bài thuốc cụ thể như sau: hành lượng vừa đủ sắc uống giúp thông khí trệ, lợi thấp, sát trùng", Lương y Bùi Đắc Sáng nói.
Dù có nhiều tác dụng nhưng lương y Sáng lưu ý, không nên ăn hành quá nhiều một lúc và ăn liên tục, bởi thực phẩm nào cũng có tính hai mặt, lạm dụng sẽ phản tác dụng. Ngoài ra, hành khi nướng không ăn với mật, đường, thịt chó gây đầy bụng khó chịu.