Mùa hè là thời điểm nhiều loại rau vào mùa thu hoạch, trong đó có đậu đũa và đây cũng là loại thực phẩm được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, có không ít thông tin cho rằng, loại quả này thuộc nhóm tồn dư hóa chất nhiều nhất, vì chúng thường hay bị các loại sâu bệnh phá hoại khi quả bắt đầu hình thành.
PGS.TS,BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, thực tế bất kể loại rau xanh, củ quả nào cũng có nguy cơ tồn dư hóa chất, tuy nhiên để biết chính xác thì cần phải lấy mẫu, xét nghiệm mới đủ cơ sở để đưa ra kết luận chính xác.
Riêng về quả đậu đũa, theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm thì loại quả dùng làm rau này cùng với rau muống, rau ngót, cải xanh là những loại rau có nguy cơ cao bị tồn dư hóa chất. Còn các loại rau có nguy cơ thấp hơn là một số loại như rau bí, rau su su, mồng tơi, súp lơ, cà chua, mướp đắng, dưa chuột…
PGS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, thông thường có 2 loại hóa chất sử dụng trong trồng trọt và chăm sóc rau. Thứ nhất là loại phun để diệt sâu bọ trực tiếp ở bề mặt ngoài như là và thân cây rau. Loại thứ hai là hóa chất phun để ngấm vào bên trong diệt sâu bọ bên trong rau.
Với các loại rau họ đậu, đa phần người dùng sẽ dùng loại hóa chất để ngấm vào bên trong quả đậu (đỗ) nhằm diệt những con sâu đang ẩn nấp phía sau. Như vậy, việc tồn dư hóa chất ở đậu đỗ là khó loại bỏ được vì nó đã ngấm vào phía trong. Với các loại rau lá thì có thể dễ loại trừ hơn qua việc rửa từng lá sạch sẽ.
TS.BS Từ Ngữ - Hội Dinh dưỡng Việt Nam thì cho rằng, các loại rau đều có nguy cơ tồn dư hóa chất mà qua khứu giác hay thị giác rất khó phát hiện, trong đó rau cải và các loại họ đậu là có nguy cơ khá cao. Với đậu đũa, do đang là rau theo mùa nên nhiều người sử dụng, nhưng cũng cần chú ý trong quá trình sơ chế và chế biến để hạn chế hóa chất tồn dư nếu có.
“Đậu đũa khá đặc biệt, không giống như các loại quả dùng làm rau khác như bầu, bí, su su… vì những loại quả này khi ăn có thể gọt bỏ lớp vỏ ngoài đi được, nhưng đậu đũa thì chỉ tước bỏ phần xơ 2 bên. Do vậy, việc loại bỏ tạp chất, tồn dư hóa chất là khó khăn hơn. Đó là chưa kể, nếu hóa chất ngấm vào trong thịt quả đỗ thì càng khó loại bỏ”, bác sĩ Từ Ngữ cho hay.
Do vậy, bác sĩ Từ Ngữ khuyên mọi người khi mua đậu đũa về dù không biết có tồn dư hóa chất hay không, nhưng quá trình sơ chế nên rửa cả quả đỗ dài, rửa từng quả một là tốt nhất, sau đó mới làm khâu tiếp theo.
Giống như đậu đũa, rau cải cũng chỉ nên bóc bẹ, rửa cả lá to, sau đó mới thái chứ không thái xong mới rửa. Như vậy, vừa an toàn hơn, vừa đảm bảo được dinh dưỡng hơn. Ngoài ra, mọi người không nên ngâm nước muối khi rửa các loại rau nói chung, vì muối hay vắt chanh vào ngâm không làm giảm được nồng độ hóa chất nếu có.
Trong quá trình nấu, tốt nhất khi luộc hoặc xào nên mở vung để nếu có tồn dư hóa chất chúng có thể bay hơi ra ngoài, tuy nhiên như vậy thì mọi người cũng phải chấp nhận bị thất thoát dinh dưỡng.
Cách chọn đậu an toàn
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về cách chọn rau nói chung và đậu đũa nói riêng để tránh hóa chất. Theo các chuyên gia về thực phẩm thì tốt nhất nên chọn mua ở nơi tin tưởng, có kiểm định và nguồn gốc rõ ràng, bởi việc mua ở ngoài chợ ngay cả những bó đậu có sâu chưa chắc đã an toàn, vì có nhiều loại sâu kháng với các thuốc hóa học.
Còn theo kinh nghiệm của những người nội trợ, khi chọn đậu nên chọn loại đậu có cuống màu xanh tươi, thân mềm, hạt vừa phải, không quá lớn hay quá nhỏ. Nếu là đậu đã được phun một lượng thuốc sâu lớn thì bề ngoài nhẵn bóng, và thường không có một vết sâu nào cắn.
Khi chế biến, đậu có hóa chất sẽ tiết ra nước rất nhiều và thường không có vị ngọt đậm như đậu chuẩn. Đặc biệt, khi luộc đậu, nếu đậu chuẩn nước luộc sẽ rất trong kể cả khi để nguội, ngược lại, đậu có thuốc sâu, hóa chất nước sẽ chuyển sang màu xanh sẫm.