![]() |
Củ lùn là một sản vật thiên nhiên ban tặng cho con người còn được gọi là sâm lùn Thái. |
Loại củ trồng ăn chơi mà luôn đắt hàng
Những năm gần đây nhiều nông dân trồng củ lùn (khoai lùn) ở các xã Trường Long A, Nhơn Nghĩa A, Tân Hòa (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) rất vui khi bước vào vụ thu hoạch khoai lùn bán được giá cao, cho lợi nhuận khá.
Anh Tám Sê, ở ấp Trường Hòa (xã Trường Long An) cho biết, khoai lùn là loại củ trồng coi như để ăn chơi của người nông dân, nhưng giá trị kinh tế của giống khoai này cũng không nhỏ. Khoai lùn mỗi năm chỉ trồng được một vụ, bên ngoài vỏ khoai có lớp da màu vàng nhạt, thịt bên trong màu trắng, luộc chín ăn vừa bùi, vừa dẻo và béo nên được nhiều người ưa thích.
![]() |
Vùng trồng củ lùn ở Hậu Giang cho hiệu quả kinh tế cao. |
Hiện tại, thương lái vào tận rẫy mua khoai lùn tươi tùy theo củ lớn hay nhỏ với giá dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, còn nếu qua tay người bán lẻ luộc chín bán ra cho khách hàng thì giá khoai lên đến 40.000-50.000 đồng/kg. Tính ra mỗi công khoai nếu đạt năng suất từ 2-2,5 tấn/công thì sau khi trừ chi phí, người trồng còn lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công.
Do là loại cây thuộc họ củ nên thời gian từ trồng đến thu hoạch thường kéo dài ít nhất cũng phải mất từ 6-7 tháng và đặc điểm của khoai lùn là không phải loại đất nào cũng trồng được, chúng chỉ thích nghi ở những nhóm đất có pha cát hay đất gò cao.
Còn theo anh Út Lời (ở xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) cũng cho biết thêm là khoai lùn rất dễ trồng, ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc nên được nhiều bà con trong xã tận dụng phần đất quanh nhà, đất vườn tạp kém hiệu quả để trồng vừa hạn chế được phần cỏ dại, vừa có thêm thu nhập.
![]() |
Người dân thu hoạch củ lùn. |
Cho dù gọi củ hay khoai thì cũng không thoát được chữ “lùn” nghe có vẻ ngồ ngộ, nhưng đó lại là tên từ lâu mà không ai biết vì sao lại gọi là củ lùn. Có lẽ là so với nhiều giống khoai khác như khoai lang, khoai mì, khoai tây… thì khoai lùn thấp bé, nhẹ cân hơn hẳn, bởi củ lùn còn có người gọi là “năng tàu”, đôi khi người miền Tây cũng hay gọi tắt là củ năng, người gọi củ lùn.
Củ lùn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây như Long An, Sóc Trăng… Những năm gần đây ở tỉnh Hậu Giang cũng có khá nhiều bà con trồng giống khoai này, do củ lùn rất dễ ăn thường được luộc hoặc hấp. Đặc biệt, củ lùn không chẳng sợ bị mềm như các loại khoai khác, phải luộc lâu mới hết sượng (cứng).
Được ví như kho thuốc quý giúp trẻ lâu
Khoai lùn hay còn gọi là năn tàu, cây mọc thành bụi cao khoảng 1 m, lá màu xanh (giống như lá nghệ) dài khoảng 20- 30 cm, cuống lá đứng thành bẹ bao phủ thân. Củ lùn hình tròn, cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, tua tủa những rễ phụ.
Ruột củ khoai lùn màu trắng trong, phần nhân màu trắng đục chứa nhiều tinh bột, đặc biệt là nhiều nước, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, mát gan… Khoai lùn có thời gian sinh trưởng trên 9 tháng, khi thấy lá rũ xuống là đến mùa thu hoạch củ.
Ngoài thành phần chính là nước và tinh bột thì củ lùn còn có các loại axit amin; protein; carbohydrate; vitamin C, A, B; cùng các loại khoáng chất thiết yếu như canxi, kali, phốt pho, sắt,… Củ sau khi thu hoạch có thể bảo quản bằng cách bọc kín và để ở nhiệt độ phòng, không tiếp xúc trực tiếp với mối mọt và ánh sáng mặt trời. Đặc biệt vitamin C trong củ lùn là thành phần quan trọng việc hình thành các collagen giúp tái tạo da và làm chậm quá trình lão hóa.
Các loại vitamin, khoáng chất trong củ lùn đều là hoạt chất giúp ổn định hệ tim mạch và kích thích quá trình chuyển hóa cholesterol xấu tại gan. Ngoài ra, chúng còn góp phần làm giảm nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tim mạch như đột quỵ, nhồi máu tim, thiếu máu tim,… đồng thời giúp cải thiện huyết áp và sức khỏe tim mạch.
![]() |
Củ lùn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: sấy khô, trộn salad, luộc,... |
Bản thân củ lùn chứa nhiều nước nên sẽ là nguyên liệu cung cấp độ ẩm và chống mất nước rất tốt cho cơ thể. Cũng chính vì đặc điểm này mà củ lùn trở thành thực phẩm giúp giải khát, thanh nhiệt trong ngày hè oi bức, làm mát gan và tốt cho những người đang mắc chứng khó tiểu, tiểu ít.
Vitamin A, C, B, K, cùng hợp chất canxi trong củ lùn tương đối đa dạng. Đây chính là các chất chống oxy hóa góp phần quan trọng trong quá trình hình thành mô liên kết, collagen và tăng độ đàn hồi cho da. Ngoài ra, cũng chính những chất đó sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ tự nhiên cho cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố gây hại bên ngoài, làm cho quá trình lão hóa của da bị chậm lại.
Dân gian lưu truyền rất nhiều công dụng của củ lùn như: giảm mụn nhọt, làm mát gan, lợi tiểu, thanh nhiệt,... cộng thêm vị ngọt bùi, giòn đặc trưng đã khiến cho loại củ dược liệu này ngày càng được nhiều người săn đón.
Củ lùn có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau như: sấy khô, trộn salad, luộc,... Phần lá của củ lùn có thể dùng bọc thực phẩm để tạo thêm hương vị cho món ăn. Muốn giữ được giá trị dinh dưỡng tốt nhất của loại củ này thì tốt nhất nên hấp hoặc luộc.
Dù chế biến củ lùn theo cách nào thì bạn cũng hay lưu ý cách sơ chế là cắt hết phần rễ phụ mọc ở vỏ sau đó rửa nhiều lần cho sạch và để ráo nước sau đó hãy cho vào nồi luộc cùng chút muối và nước ngập củ trong khoảng 30 phút. Thành phẩm củ lùn đã được luộc chín khi lớp vỏ bên ngoài tự nứt, bong ra hoặc có thể tách một cách dễ dàng bằng đũa.
Với vị ngọt bùi tự nhiên và những công dụng hữu ích cho sức khỏe, củ lùn đang ngày càng được nhiều người ưa dùng, là món ăn gây “nghiện”. Cũng giống như nhiều loại khoai khác, củ lùn rất dễ chế biến thành các món ăn khác nhau mà vẫn không mất đi hương vị tự nhiên vốn có. Vì thế, những ngày nghỉ bên gia đình, nếu thêm món ăn từ củ lùn vào thực đơn của mình, hứa hẹn bạn sẽ có những bữa ăn đáng nhớ./.