Tìm hiểu về con tằm ăn lá sắn
Phú Thọ không chỉ là nơi đất Tổ, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và còn là nơi được nhiều người biết tới với những món ăn đặc sản trứ danh ít nơi nào khác có được. Nổi tiếng nhất trong số này phải kể đến đó là đặc sản con tằm ăn lá sắn.
Vào thời xa xưa, vùng đất Phú Thọ trồng bạt ngàn cây sắn để làm cây lương thực cứu đói phòng khi mùa màng thất bát. Cho đến ngày nay thì cây sắn được người dân sử dụng để nuôi gia súc, gia cầm, trong khi lá cây được tận dụng tối đa để nuôi con tằm.
Không như tằm ăn lá dâu để nhả tơ dùng cho việc dệt lụa, may mặc, con tằm ăn lá sắn được dùng để chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng và hấp dẫn. Đó là bởi tằm lá sắn có kích cỡ lớn hơn, gai góc hơn và đậm thịt hơn so với tằm lá dâu.
Thông thường cứ vào tháng 5 hàng năm là người dân sẽ tiến hành chuẩn bị trứng tằm giống để nuôi chúng nở ra, trưởng thành. Tằm ăn lá sắn sẽ tiết kiệm kinh tế hơn tằm ăn lá dâu, bởi lá sắn rất rẻ mà lại dễ mọc, muốn bao nhiêu cũng có.
Bên cạnh đó, tằm ăn lá sắn sẽ đạt kích thước lớn mà không mất nhiều thời gian chăm sóc, lại rất khó mắc bệnh. Tính ra người nuôi chỉ mất có 15-20 ngày để khiến con tằm từ khi mới nở với kích thước chỉ vài milimet có thể trưởng thành với kích thước lớn gấp hàng chục lần.
Với mỗi một lạng trứng tằm giống, người nuôi sẽ phải chi trả khoảng từ 500.000 đến 1 triệu đồng/lạng. Trứng tằm sau đó sẽ được ủ trong những chiếc khay nhỏ, sau khoảng 3-5 ngày trứng sẽ nở hết thành con tằm và bắt đầu ăn lá. Đến khi trưởng thành, một lạng trứng tằm ban đầu sẽ biến thành 30-50kg con tằm hoàn chỉnh.
Lá sắn được chọn phải là lá non, không được quá già để tránh ảnh hưởng tới khả năng phát triển của con tằm. Chính vụ nuôi tằm lá sắn vào khoảng tháng 8, đây cũng là lúc tằm đạt kích thước và chất lượng ngon nhất, có thể xuất bán ra thị trường.
Hiện tại giá bán cho mỗi một kg con tằm ăn lá sắn trên thị trường dao động trong khoảng từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg. Có thời điểm mặt hàng này trở nên cực kỳ thu hút khiến cho giá tăng lên tới 150.000 đồng/kg. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hợp với món đặc sản “gai góc” này, mặc dù nó rất bổ dưỡng.
Nhìn bề ngoài, con tằm lá sắn khi trưởng thành to gấp 2-3 lần con tằm ăn dâu, toàn thân có gai nhọn. Bình thường, tằm lá sắn có màu trắng nhưng khi tằm chín sẽ có màu vàng tươi, dừng ăn và nhả tơ bao quanh cơ thể để thực hiện quá trình phát triển thành nhộng. Trong khi đó, con tằm chưa nhả tơ được coi là bổ nhất, chứa nhiều dinh dưỡng nhất. Vì vậy, người nuôi phải canh giờ tằm chín để thu hoạch và bán.
Theo BS Kim Minh, nhộng tằm, tằm chín là những món ăn rất giàu dinh dưỡng, được dân gian dùng làm thuốc bổ, dùng cho trẻ suy dinh dưỡng, người suy nhược, phụ nữ sau đẻ ít sữa, đàn ông di mộng tinh.
Nhộng tằm rất giàu đạm, chất béo và chứa nhiều vitamin (như vitamin A, B1, B2, PP, C), khoáng chất (nhất là canxi và photpho). Giá trị dinh dưỡng của nó không thua kém thịt cá.
Theo Đông y, tằm chín vị mặn, bùi béo, thơm, tính ấm, có chất bổ như sâm nhung, được dùng làm thuốc bồi dưỡng thần kinh, ăn ngủ kém, di mộng tinh, hư lao, trẻ em chậm lớn, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa nuôi con, cơ thể suy nhược.
Một số món ăn từ con tằm ăn lá sắn
Con tằm chín có thể chế biến thành một số món ngon dùng làm mồi nhậu hoặc ăn với cơm trắng. Tại địa phương, tằm có thể được dùng để chế biến thành một số món ăn hấp dẫn như: Tằm rang lá chanh, rang lá lốt, tằm chiên giòn, tằm hấp chín, hoặc tằm luộc... Nhưng ngon nhất có lẽ là tằm chiên giòn và tằm rang lá chanh, vừa đảm bảo có vị ngon, bùi, béo ngậy của con tằm, lại vừa rất “hợp” để làm mồi nhậu cho anh em phái mạnh.
Món tằm luộc
Các món nhậu thì có thể dùng tằm luộc hoặc tằm chiên giòn rất thích hợp, tằm luộc chọn con tằm đã chín không ăn lá nữa và bắt đầu nhả tơ đem rửa sạch rồi bỏ ít muối đem luộc đến chín tới, có thể cho thêm ít gừng và nghệ vào luộc cùng để tằm có màu vàng bắt mắt và thơm hơn.
Tằm chín cắt bỏ đầu chân rồi thái nhỏ ít lá chanh rắc lên tằm, trộn cho mùi hương lá chanh ngấm đều khắp rồi pha nước nắm chanh tỏi ớt là sử dụng được, tằm luộc giữ được hương vị nguyên thủy của món ăn có vị ngọt ngon thơm mùi tằm tươi.
Món tằm chiên giòn
Món tằm chiên giòn cũng rất đơn giản, sau khi sơ chế bằng cách rửa sạch và trần qua cho tằm nhả hết tơ thì đem cắt bỏ đầu chân, bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào và để lửa ở mức vừa phải. Đợi đến khi dầu nóng già thì bỏ tằm lá sắn vào và chiên, thỉnh thoảng đảo sơ qua để tằm có màu sắc và chín đều.
Sau khi chiên trong khoảng 3 phút con tằm sẽ co lại, trông giòn hơn. Tằm chín thì vớt ra đĩa và rắc lá chanh lên, món này ăn nóng sẽ rất ngon, dùng làm món nhậu rất thích hợp.
Món tằm rang
Với món tằm rang thì sau khi sơ chế ta chuẩn bị một ít lá chanh hoặc lá lốt rửa sạch thái nhỏ, tằm sau khi sơ chế bỏ tằm vào chảo, ko cho dầu, thêm chút bột canh vào đảo, đợi tằm ra nước thì thêm chút mắm cho thơm đảo đều cho tằm ngấm gia vị, hơi sém cạnh thì cho dầu ăn vào chảo đảo vàng lên.
Khi tằm đã vàng đều thơm, cho lá chanh hoặc lá lốt thái nhỏ vào nêm nếm lại rồi đảo thêm một chút là được. Tằm thấm gia vị đậm đà khi ăn thấy giòn phía bên ngoài và dai dai bên trong rất hấp dẫn, ai ăn được món này dễ bị nghiện. Món tằm được chế biến rất đơn giản kết hợp những nguyên liệu sẵn có trong vườn nhà đã cho ta những món ăn thơm ngon bổ dưỡng.
Thưởng thức tằm lá sắn không hẳn chỉ là thưởng thức một thứ quà quê mà còn cảm nhận cả cái tình của người Phú Thọ, dân dã mà gần gũi. Để du khách mỗi khi đến thăm vùng đất Tổ nếm thử hương vị ẩm thực của vùng đất Trung du mà đem lòng say chẳng muốn quay về.