Thốt nốt là gì?
Thốt nốt là một loại cây nổi tiếng ở miền Tây, đặc biệt ở khu vực Châu Đốc (An Giang) giáp ranh với Campuchia được coi là xứ sở của thốt nốt. Những hàng thốt nốt mọc xen kẽ trên cánh đồng lúa mênh mông và dọc theo các con đường làng quanh co thực sự là một bức tranh thiên nhiên đẹp đến lay động lòng người.
Ở khắp vùng đất An Giang, đi đến đâu du khách cũng có thể bắt gặp những hàng cây thốt nốt vươn lên cao vút. Loại cây này tập trung nhiều ở khu vực đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Cây thốt nốt thường có chiều cao khoảng 20m. Nhìn qua thì thấy cây thốt nốt khá giống cây dừa, nhưng thân to và cao hơn, tán lá xòe ra như lá cọ.
Cây thốt nốt cái sau khi trổ bông sẽ kết thành từng chùm khoảng 50 đến 60 quả, nhỏ hơn trái dừa Xiêm và ở bên trong có nước cùng với lớp cơm màu trắng đục. Còn cây thốt nốt đực thì chỉ ra hoa chứ không có quả.
Cái tên thốt nốt có nguồn gốc xuất xứ từ tiếng Khmer là “th'not”. Với đồng bào Khmer, thốt nốt là một giống cây quý trời ban. Có thể nói rằng, cây thốt nốt gắn bó với cuộc sống người dân Khmer giống như cây dừa của người Kinh ở dưới miền xuôi. Sở dĩ so sánh như vậy bởi thốt nốt cũng là cây trồng vô cùng quan trọng được người Khmer sử dụng vào rất nhiều việc.
Thân cây thốt nốt thường dùng làm cột nhà, dầm cầu, bàn ghế, tủ còn lá thì dùng để lợp mái nhà, làm nón và chế tác nên những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo. Rễ cây thốt nốt và vòi hoa sau khi phơi khô còn dùng làm thuốc chữa bệnh vàng da, nhuận tràng…
Quả thốt nốt vừa là đặc sản nổi tiếng, vừa dùng để làm nhiều món ngon khác. Thêm nữa, phần nước lấy từ hoa thốt nốt vô cùng thơm ngọt cũng có thể làm thành thức uống giải khát hoặc làm thành đường thốt nốt nức tiếng.
Nước và quả thốt nốt được xem là những thức quà gần gũi nhất với người dân địa phương cũng như các tín đồ mê xê dịch vì chúng được bán khá phổ biến ở các hàng quán ven đường hay những khu chợ Châu Đốc.
Trái thốt nốt có vỏ màu nâu tím, to khoảng gấp rưỡi quả cam và khá cứng, tương tự như trái dừa, nên người dân phải dùng dao chặt mới lấy được múi ở bên trong. Việc lấy múi cũng không hề đơn giản, phải tỉ mỉ bóc bỏ từng lớp màng màu vàng bao bọc quanh múi thì mới lộ ra phần cơm ăn được.
Cơm thốt nốt màu trắng đục, có độ giòn dẻo, dai dai đặc trưng ăn khá vui miệng. Tuy nhiên, lớp cơm này khá nhạt, nếu ăn không thì chẳng cảm thấy vị gì nên thường sẽ được dùng kèm với nước thốt nốt để tăng thêm độ ngọt.
Bên cạnh đó cũng có nơi xắt mỏng cơm thốt nốt và ngâm với chút đường cho có vị hơn rồi mới pha thành nước giải khát hoặc trộn cùng sữa để thưởng thức. Thốt nốt ngon nhất là khi uống lạnh và cũng vì để bảo quản nên các hàng quán đều có thùng lạnh riêng để đựng nước thốt nốt cũng như các múi cơm đã qua sơ chế. Một ly nước thốt nốt sẽ gồm phần nước lấy từ hoa và rất nhiều múi thốt nốt, bởi vậy khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào, mát lạnh cùng độ dai giòn sần sật rất thú vị.
Ngoài ra, nhiều đặc sản khác được làm từ thốt nốt như bánh bò thốt nốt, đường thốt nốt,... cũng được nhiều người ưa chuộng và tìm mua.
Đường thốt nốt là gì?
Đường thốt nốt là loại đường nấu từ dịch chảy từ nhụy hoa thốt nốt. Phần nước lấy từ trong quả thốt nốt chính là nước đường lỏng. Sau quá trình chế biến sẽ tạo thành những khối đường cứng, màu vàng đẹp mắt. Trung bình cứ 4 lít nước thốt nốt sẽ làm được 1kg đường thốt nốt.
Đường thốt nốt có vị ngọt thanh và hoàn toàn tự nhiên. Bên cạnh đó, đường thốt nốt cũng có nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể.
Đường thốt nốt có thể thay thế đường trắng trong nấu ăn bởi chúng có vị ngọt thanh, không gắt. Khi chế biến các loại nước chấm cần đến đường thì đường thốt nốt vẫn là lựa chọn tốt bởi chúng cho nước chấm có hương vị chuẩn không cho cảm giác ngọt gắt đồng thời màu sắc cũng đẹp hơn.
Ngoài ra đường thốt nốt có thể thay thế các chất tạo ngọt khác trong pha nước uống hay chế biến, thậm chí bạn cũng có thể nhâm nhi một vài miếng đường thốt nốt. Bởi chúng giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, tốt cho hệ tiêu hóa, ngừa bệnh thiếu máu.
Cách nấu đường thốt nốt
Trước tiên, người thợ sẽ thu hoạch dịch từ nhụy hoa thốt nốt theo phương tháp thủ công. Họ sẽ leo lên cây thốt nốt, cắt nhị hoa đực để thu hoạch dịch từ nhụy hoa. Sau đó, họ sẽ tiến hành nấu đường.
Bước 1: Cho dịch nhụy hoa vào chảo lớn, đun lên để cô đặc phần nước này.
Bước 2: Trong quá trình nấu, đảo đều dung dịch đến khi trở nên sền sệt thì đổ sang chảo khác. Tiếp tục đun hỗn hợp với lửa vừa đến khi chuyển màu vàng ươm.
Bước 3: Chuẩn bị các khuôn hình ống tròn, hoặc khuôn hình tròn dầy khoảng 2 - 3cm. Sau đó, đổ đường vào các khuôn.
Bước 4: Cuối cùng, dùng lá thốt nốt gói khuôn này lại. Chờ khi đường đông đặc và khô lại là hoàn thành.
Ở các tỉnh miền Tây, người dân dùng đường thốt nốt để nấu chè, nấu ăn, làm bánh,... Đường thốt nốt hoàn toàn không chứa hóa chất nên không chỉ giúp món ăn mang màu vàng đẹp mắt, có mùi thơm lại tốt cho sức khỏe.
Lưu ý:
Việc điều chỉnh ngọn lửa sẽ quyết định chất lượng đường thốt nốt ngon ra sao? Theo người có kinh nghiệm nấu đường thốt nốt cho biết: họ dùng thân cây thốt nốt già, chẻ và phơi khô để làm củi đun. Củi này sẽ cho ngọn lửa cháy đều và lửa vừa, để người thợ có thể cân chỉnh việc nấu đường thốt nốt sao cho ngon.
Trung bình một mẻ đường thốt nốt cần tốn đến 3 - 4 tiếng để nấu.
Mỗi năm, cây thốt nốt phát triển tươi tốt thì nước dịch từ hoa của nó có thể nấu ra được 3 - 4kg đường thốt nốt. Trung bình cứ 4 lít nước thốt nốt là sẽ làm được 1kg đường.
Một số món ăn làm từ thốt nốt và đường thốt nốt
Nước thốt nốt: Nước thốt nốt có vị ngon như nước dừa, ngọt và mát, và có mùi thơm đặc trưng. Bạn mua nước thốt nốt được nấu sẵn ở chợ, cho thêm thịt thốt nốt thái sợi, một ít đường và đá. Như vậy là đã có ngay món nước thốt nốt ngọt mát, thanh nhiệt ngày hè.
Chè thốt nốt: Chè thốt nốt cũng rất được ưa chuộng bởi các tín đồ yêu ngọt. Các thành phần trong chè đa dạng tùy người nấu nhưng không thể nào thiếu đường và cùi thốt nốt. Thưởng thức món chè thốt nốt ngon hơn khi dùng lạnh, để cảm nhận được vị béo ngậy của nước cốt dừa, cùi thốt nốt mềm, dẻo ăn rất thú vị.
Bánh bò thốt nốt: Bánh bò làm với đường thốt nốt sẽ có mùi thơm nhẹ từ thốt nốt, vị ngọt thanh và màu vang ươm vô cùng bắt mắt. Đây là đặc sản của vùng Châu Đốc (An Giang) - nơi vốn trồng rất nhiều thốt nốt.
Mứt gừng thốt nốt: Mứt gừng thốt nốt có vị cay nồng dễ chịu của gừng, một chút thơm thơm từ thốt nốt rất lạ miệng. Mứt dẻo dai, ngọt vừa phải, vừa có thể dùng làm món mứt ăn chơi vừa có thể trị đầy bụng rất hiệu quả.
Những lợi ích của đường thốt nốt
Theo y học cổ truyền, thốt nốt có vị ngọt, tính bình. Bên cạnh là một gia vị không thể thiéu trong các món ăn Việt, đường thốt nốt còn có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Cung cấp nhiều khoáng chất: Đường thốt nốt rất giàu các khoáng chất thiết yếu, hàm lượng khoáng chất cao hơn gấp 60 lần so với đường cát trắng giúp cung cấp một lượng khoáng chất tốt cho cơ thể. Ngoài ra loại đường này còn giàu magiê, các chất chống oxy hóa, canxi, kali và phốt pho…
Tốt cho da: Nếu da bạn bị mụn, trứng cá hãy ăn đường thốt nốt mỗi ngày sẽ thấy sắc đẹp làn da được cải thiện rõ rệt.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Đường thốt nốt có vai trò kích thích enzyme tiêu hóa ở dạ dày hoạt động một cách hiệu quả. Hơn nữa, đường thốt nốt còn hỗ trợ tẩy sạch đường ruột.
Thanh lọc cơ thể, giữ gìn vóc dáng: Đường thốt nốt còn giúp loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể, trong đường thốt nốt chứa các hợp chất carbohydrate giúp cơ thể tiêu hóa nhanh hơn so với đường cát trắng giúp bạn có cảm giác no lâu và ít thèm ăn hơn cho bạn một cơ thể khỏe mạnh và cân đối.
Chữa chứng đau nửa đầu: Trong đường thốt nốt có chứa những hoạt chất tự nhiên có tác dụng giúp làm dịu cơn đau do chứng bệnh đau nửa đầu gây ra. Khi bạn có hiện tượng đau nửa đầu chỉ cần bạn ăn khoảng 20g đường thốt nốt sẽ cảm thấy tình trạng đau nửa đầu giảm hẳn.
Hạn chế những tác động theo mùa theo năm lên cơ thể: Sử dụng đường thốt nốt sẽ giúp hạ nhiệt làm mát cơ thể vào mùa hè vì vậy bạn sẽ tránh nguy cơ bị mụn nhọt đồng thời vào mùa đông nó lại có tác dụng giữ ấm, giúp đỡ bị lạnh hơn.
Tốt cho trẻ em: Loại đường này thật sự tốt cho trẻ em nó góp phần làm tăng hệ miễn dịch của bé, ngăn ngừa bệnh thiếu máu, làm sạch gan và giúp xương chắc khỏe. Tuy nhiên mẹ chỉ nên cho bé tiêu thụ một lượng vừa phải để đảm bảo mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Giúp xương chắc khỏe: Trong đường thốt nốt có chứa những dưỡng chất cần thiết cho hệ xương phát triển như: Chất khoáng, canxi và phốt pho.
Tăng khả năng miễn dịch: Đường thốt nốt giàu chất chống oxy hóa, khoáng chất như selen và kẽm, giúp ngăn chặn nguy cơ tổn thương các tế bào do hoạt động của các gốc tự do qua đó giúp chống nhiễm trùng, tăng khả năng miễn nhiễm đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Chọn mua đường thốt nốt
Đường thốt nốt thường chỉ bán tại An Giang, do đó hiện nay khá nhiều nhà buôn bán đường thốt nốt kém chất lượng, do vậy khi chọn mua bạn nên chú ý chọn đường có các đặc điểm sau:
Đường có màu đục. Không thấy tinh thể đường ánh lên.
Đường được làm thủ công nên có mùi thơm se lẫn mùi khét nhẹ.
Đường mịn, dùng muỗng cạo dễ dàng.
Độ tan của đường thốt nốt cao, không lợn cợn lâu tan như đường thông thường.
Vị ngọt thanh diu, dễ chịu, đôi khi nếm sẽ có vị chua nhẹ đầu lưỡi sẽ lẫn vị ngọt.
Sử dụng bao nhiêu thốt nốt là đủ?
Mặc dù thốt nốt có lợi cho sức khỏe, nhưng chỉ nên sử dụng với lượng vừa đủ để tránh phản tác dụng. Với nước thốt nốt, bạn chỉ nên uống khoảng 500ml nước thốt nốt mỗi ngày.
Còn nếu sử dụng quá nhều đường thốt nốt trong khẩu phần ăn mỗi ngày có thể gây sâu răng, nổi mụn nhọt và thậm chí là tiểu đường.