Nhiều nông dân đã chuyển đổi lúa sang trồng sầu riêng và đem lại lợi nhuận cao. |
Lãi nửa tỷ từ 0,6ha sầu riêng
Nông dân một số huyện vùng Tây sông Hậu của tỉnh Kiên Giang như Giồng Riềng, Gò Quao đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ các loại cây ăn trái, trong đó có trái sầu riêng. Trong khi nhiều loại trái cây đều có xu hướng giảm giá thì sầu riêng vẫn giữ được giá ở mức cao.
Hiện sầu riêng đang được thương lái vào tận vườn mua sô (bán hết lượng trái trong vườn không phân loại) với giá cao hơn cùng kỳ năm 2022 từ 10.000-18.000 đồng/kg.
Cụ thể sầu riêng Ri6 có giá từ 52.000-58.000 đồng/kg. Sầu riêng Monthon của Thái Lan có giá bán 70.000-75.000 đồng/kg. Sầu riêng giống Musang King có giá 120.000 đồng/kg. Ngoài được giá, nông dân trồng sầu riêng ở Giồng Riềng, Gò Quao năm nay còn trúng mùa với năng suất sầu riêng bình quân đạt khoảng 17-18 tấn/ha, cao hơn năm trước từ 1-2 tấn/ha.
Nhà vườn ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch sầu riêng. |
Do trúng mùa và bán được giá cao nên trong vụ này có rất nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng thu hoạch trái sầu riêng có mức lợi nhuận từ 400 triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Lượm, nông dân trồng sầu riêng ngụ ấp Hòa A, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Tôi mới thu hoạch xong 0,6ha sầu riêng, bán được 11 tấn trái, giá sầu riêng đầu vụ 58.000 đồng/kg, giá cuối vụ 52.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, tôi lãi trên 500 triệu đồng từ mô hình trồng sầu riêng...”.
Những ngày đầu tháng 6 tới nay, không khí tại các vườn sầu riêng của xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao (Kiên Giang) nhộn nhịp vì đang vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Dũng, ngụ ấp 5, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc cho biết: “Sầu riêng Ri6 loại nhất trọng lượng mỗi trái trên 2,5kg được thương lái mua tại vườn giá 52.000 đồng/kg, loại dưới 2,5kg/trái giá rẻ hơn 10.000 đồng/kg. Tôi có 3.000m2 đất trồng 40 gốc sầu riêng đã 25 năm tuổi, mới thu hoạch và bán xong, lãi 120 triệu đồng”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, Gò Quao là huyện có diện tích sầu riêng dẫn đầu toàn tỉnh với trên 250ha, trong đó đã được cấp mã vùng trồng 58,7ha, 150ha đang cho thu hoạch. Đa số sầu riêng được trồng mới từ 2-3 năm tuổi. Theo một số nhà vườn huyện Gò Quao, dự kiến đến năm 2024, diện tích sầu riêng nơi đây cho thu hoạch đồng loạt.
Nông dân mạnh tay chuyển đổi sang trồng sầu riêng
Dù gắn bó với cây lúa hàng chục năm nay, nhưng nhiều nông dân đã mạnh tay chuyển đổi sang trồng sầu riêng khi thấy hiệu quả kinh tế từ loại trái cây vua này. Tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chỉ trong vòng 5 năm đã mở rộng diện tích trồng sầu riêng lên gần 50ha, tăng hơn 40ha so năm 2018.
Dọc ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, nhiều cánh đồng lúa bạt ngàn trước đây giờ đã được chuyển đổi một phần thành vườn sầu riêng, một số diện tích đã cho thu hoạch 1-2 vụ, có nơi cây vừa ra bông lứa đầu tiên.
Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh nói: “Tôi gắn bó với cây lúa bao đời nay nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng cao thời gian qua khiến lợi nhuận từ cây lúa không còn, gia đình tôi chuyển sang trồng 1.250 gốc sầu riêng trên tổng diện tích 6ha từng canh tác lúa. Sầu riêng có giá, bên huyện Phong Điền (TP. Cần Thơ) trồng 1 gốc sầu riêng cho lợi nhuận 7-10 triệu đồng/vụ tùy giá thị trường, như vậy vẫn cao hơn làm lúa. Vả lại, sầu riêng là cây đặc sản lâu năm, trồng một lần là ăn hoài”.
Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ ấp Thạnh Vinh, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) bên vườn sầu riêng của gia đình. |
Đang mở hệ thống tưới nước tự động cho vườn sầu riêng 70 gốc gồm các giống Musang King, Monthong, Ri6, ông Đặng Văn Cầm, ngụ ấp Thạnh Vinh cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi để trái cho vườn sầu riêng. Thấy làm lúa lợi nhuận bấp bênh quá nên tôi chuyển 4 công đất lúa sang trồng sầu riêng, còn lại 20 công vẫn làm lúa. Thấy nhiều người trồng, tôi cũng trồng theo, chưa liên kết tiêu thụ với ai. Ai mua được giá thì tôi bán”.
Dù chưa có bất kỳ nguồn thu nào nhưng ông Cầm vẫn tin rằng khi sầu riêng cho trái sẽ mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cây lúa.
Theo ông Nguyễn Văn Đầy - Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Vinh, do chi phí trồng sầu riêng khá cao nên mô hình chỉ phù hợp với những hộ có điều kiện kinh tế. “Tính cả chi phí cải tạo đất sang thực hiện mô trồng sầu riêng, hệ thống tưới nước, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 1 cây sầu riêng từ lúc trồng đến khi thu hoạch tốn khoảng 4 triệu đồng. Bình quân 1 công đất trồng sầu riêng, người trồng chi hơn 50 triệu đồng”, ông Đầy nói.
Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc Phan Văn Phú cho biết, toàn xã hiện có gần 42ha trồng sầu riêng. Đa số diện tích sầu riêng từ 2-5 năm tuổi. Hộ nhiều nhất trồng 8ha, hộ ít trồng nửa công, tập trung tại các ấp Thạnh Vinh, Thạnh Lợi, Thạnh Hiệp, chủ yếu được chuyển từ đất lúa, vườn tạp.
Khi cây lúa không hiệu quả người dân chuyển đổi sang trồng sầu riêng để có lợi nhuận cao hơn là điều chính đáng. Tuy nhiên, trồng sầu riêng không thể chỉ chạy theo phong trào, người dân cũng phải nắm bắt kỹ thuật canh tác, chủ động nguồn vốn vì sầu riêng sau 5 năm mới có nguồn thu. Đồng thời trồng sầu riêng phải tuân thủ các tiêu chí để được cấp mã số vùng trồng.
Về phía chính quyền địa phương cũng khuyến khích chuyển đổi cây trồng từ những vùng lúa kém hiệu quả. Đồng thời cùng khuyến cáo bà con không nên phát triển ồ ạt, mà cải tạo từng bước có lộ trình, không chặt phá cây khác để chuyển sang trồng sầu riêng vì chi phí cải tạo từ đất lúa, đất vườn sang trồng sầu riêng khá cao./.