Lai Châu được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn tài nguyên khoáng sản như: kim loại màu (đồng, vàng, chì); đặc biệt là mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường) và Nậm Xe (huyện Phong Thổ).
Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng như: Khoáng sản nguyên liệu (vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ, gốm sứ...) và tài nguyên nước khoáng, nước nóng. Tính đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã có 30 giấy phép khai thác khoáng sản gồm: 2 mỏ do Trung ương cấp (Mỏ đất hiếm Đông Pao, huyện Tam Đường và mỏ đá phiến Nậm Ban, huyện Nậm Nhùn); UBND tỉnh Lai Châu cấp giấy phép khai thác cho 2 mỏ kim loại, 4 mỏ cát và 22 mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường.
Điểm khai thác cát tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu đã tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản quản lý khoáng sản trên địa bàn, như: Phê duyệt, công bố các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lai Châu đến năm 2020 (Quyết định sô 1660/QĐ-UBND ngày 31/12/2015); Quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu (Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 13/8/2018). Cùng với đó, thực hiện ký kết các Quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu với 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên.
Kể từ năm 2018, Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu được phê duyệt tại Quyết định 1351/QĐ-UBND đã góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép làm ảnh hưởng đến môi trường; gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hạn chế thất thoát tài nguyên, mất đất sản xuất và thất thu ngân sách.
Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng được siết chặt
Trong Quý I năm 2020, Sở đã tham mưu và báo cáo UBND tỉnh công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và tình hình hoạt động khoáng sản năm 2019. Tham mưu giải quyết vướng mắc chính sách hoàn trả tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đá Sùng Chô 2, xã Sùng Phài, huyện Tam Đường. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đề nghị cơ quan liên quan cung cấp số liệu thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ động tham mưu UBND tỉnh Lai Châu ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Đồng thời chủ động phối hợp với các huyện rà soát, kiểm tra các khu vực có khả năng xảy ra khai thác trái phép như: Khu vực Chinh Sáng, huyện Tam Đường; khu vực Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ; khu vực các xã Vàng San, Mường Tè, Nậm Khao, Mù Cả, huyện Mường Tè. Các địa phương đã tích cực tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác trái phép khoáng sản tập trung, đông người.
Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh Lai Châu kịp thời chỉ đạo công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các hồ sơ hoạt động khoáng sản; hồ sơ phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định. Triển khai, đôn đốc thực hiện Quy định quản lý khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã được phê duyệt. Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên rà soát, đôn đốc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và hoạt động tuân thủ pháp luật; tăng cường kiểm tra thường xuyên, đột xuất thực hiện thanh tra trách nhiệm UBND các xã trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên khoáng sản và kịp thời đề nghị xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, giải tỏa khai thác trái phép khoáng sản.
Đức Thiện