Bình Định: Phát triển cây dừa xiêm trên đất cát Bến Tre: Liên kết trồng dừa theo hướng hữu cơ Trái dừa Bến Tre rẻ hơn cốc trà đá, người trồng dừa còn khốn đốn vì sâu hại |
Anh Năm Được (Huỳnh Văn Được, xã Phú Thạnh, Tân Phú Đông, Tiền Giang) bỏ trồng sả chuyển sang trồng dừa lấy củ hủ |
Anh Năm Được (Huỳnh Văn Được, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) là chủ của khu vườn trồng 5ha dừa lấy củ hủ. Anh là người tiên phong trồng dừa lấy củ hủ ở huyện cù lao Tân Phú Đông.
Củ hủ dừa, còn gọi là tàu hủ dừa, đọt dừa hay cổ hũ dừa. Đây chính là phần lõi non nằm trên ngọn thân của cây dừa.
Tôi còn nhớ, mỗi lần về thăm anh bạn ở cù lao Tân Phong (Tiền Giang) hay được anh đãi món khoái khẩu củ hủ dừa trộn thịt ba chỉ với tôm. Để làm món này, chắc chắn anh phải mất một cây dừa trong vườn. Vì thế, vừa ăn món củ hủ dừa trộn, vừa tiếc hùi hụi cái cây.
Theo đó, trước tiên anh phải chọn một cây dừa già hay bệnh rồi trèo lên cây cắt ngang ngọn lấy phần đọt dừa. Phần đọt dừa này sẽ được gọt bỏ lớp mo xơ bên ngoài, làm lộ ra phần non trắng bên trong, đây chính là củ hủ dừa. Củ hủ dừa có độ giòn cao và vị ngọt nhẹ.
Giờ thì không còn cảnh tiếc hùi hụi khi ăn món củ hủ dừa nếu ghé vườn dừa của anh Năm Được. Bởi anh trồng dừa lấy củ hủ bạt ngàn. Muốn ăn món củ hủ dừa trộn hay hầm thịt chỉ nửa giờ sau là có. Không ai tiếc thương cây dừa nữa để mất vui trong bữa tiệc.
Củ hủ dừa là món đặc sản của người miền Tây dùng để chế biến ra nhiều món ăn ngon, hấp dẫn |
Theo anh Năm Được, 2 năm trước anh bắt tay trồng dừa lấy củ hủ. Giống dừa được một cơ sở thu mua đưa giống và bao tiêu sản phẩm.
Anh Năm Được chia sẻ, trồng dừa lấy củ hủ rất dễ, ít tốn công, phân thuốc. Nhưng, quan trọng là giống dừa phải tốt. Đặc biệt, giống phải là giống dừa ta để cây phát triển nhanh, củ hủ to.
Không ngờ, đất ở cù lao Tân Phú Đông do phèn nặng nên lâu nay bà con nông dân chỉ chuyên canh trồng sả và trồng mãng cầu ta nay rất phù hợp để trồng cây dừa lấy củ hủ.
"Do phèn nên đất ở đây rất giàu Kali. Kali sẽ giúp cho nước và củ hủ dừa ngọt hơn nơi khác", anh Năm Được thổ lộ.
Bên cạnh đó, anh Năn Được cũng cho biết, do đất ở đây chưa trồng dừa nên giờ trồng nên bây giờ trồng không gặp cảnh sâu bệnh phá hoại. Vì thế, anh trồng dừa rất ít tốn phân, thuốc.
"Sau khi trồng được 1 tháng, nông dân nên bón phân ure cho cây dừa", anh Năm Được chia sẻ.
Về kỹ thuật trồng dừa lấy củ hủ, anh Năm cho biết, do đất cao nên anh không cần phải lên mô, lên liếp. Anh trồng cây cách cây 2m. Sau khi cây dừa được 1 tuổi, cứng cáp, anh lại trồng xen giữa 2 cây một cây dừa mới.
"Kỹ thuật trồng dừa lấy củ hủ là vậy để sau này luân phiên mỗi năm thu hoạch củ hủ dừa một đợt", anh Năm Được bộc bạch.
Hiện, trên mảnh đất 5ha, anh Năm Được trồng dừa lấy củ hủ với 25.000 cây. Dừa trồng 18 – 20 tháng là có thể thu hoạch củ hủ. Thời điểm này, hoành gốc dừa 90 - 100cm. Vài tháng trước khi thu hoạch lấy củ hủ dừa, bà con nông dân thúc phân để cây cho củ hủ to, non.
Anh Năm Được cho biết, khoảng 3 tháng nữa anh sẽ thu hoạch đợt đầu với 4.000 cây dừa. Với giá củ hủ bao tiêu là 6.000 đồng/cái, anh Năm Được dự tính sẽ thu lời khoảng 200 triệu đồng.
"Chi phí trồng dừa chiếm 30% doanh thu, tính ra trồng dừa lấy củ hủ lời rất tốt", anh Năm Được chia sẻ.
Anh Lê Trọng Đáng ngụ xã Tân Thạnh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cũng là người thành công với mô hình trồng dừa chỉ để bán củ hủ.
Nhiều thanh niên ở địa phương đã đến tham quan học hỏi mô hình trồng dừa bán củ hủ của anh Đáng |
Trên phần đất của gia đình, anh Đáng đã mạnh dạng ươm giống hơn 600 cây dừa. Sau khoảng 3, anh đã thu được thành phẩm củ hủ dừa. Năm 2020 anh Đáng đã tìm đầu ra từ các nhà hàng xuất bán số lượng lớn. Nhận thấy được hiệu quả anh tiếp tục mở rộng diện tích và đầu tư ươm giống lần 2 trên 700 cây, trồng trên diện tích 35.000 mét vuông.
Anh Đáng cho biết kỹ thuật trồng dừa không quá khó, cần giữ khoảng cách 2m cho mỗi cây. Cây dừa phù hợp với vùng đất phèn mặn, ít tốn công chăm sóc và ít sâu bệnh nên vốn và công bỏ ra không đáng kể.
Sản phẩm củ hủ dừa là phần lõi non nhất của ngọn dừa. Củ hủ dừa có màu trắng, ăn rất giòn và ngọt được xem là món đặc sản dùng chế biến thành nhân bánh xèo, lẩu vịt xiêm, làm gỏi... Mỗi đợt anh Đáng xuất bán cho các nhà hàng từ 400 – 500kg củ hủ dừa, trung bình mỗi năm, anh xuất khoảng trên 2.000kg củ hủ dừa. Trung bình mỗi tháng không bỏ công cũng không cần thêm vốn nhưng anh thu lãi gần 6 triệu đồng.
Củ hủ dừa đã mang đến nguồn thu nhập khá ổn định cho chàng thanh niên ở huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang |
Anh Đáng cho biết công việc chính của anh là bí thư chi đoàn ấp, việc trồng dừa không tốn thời gian nên anh có thể làm tốt công tác của mình. “Mình chỉ bỏ vốn ít ban đầu mua giống và trồng, về sau thì để nó tự nhiên phát triển. Vụ tết này đơn hàng quá nhiều, không đủ cung cấp cho khách", anh Đáng nói.
Mô hình trồng dừa bán củ hủ của anh Đáng đã tạo cho đoàn viên, thanh niên địa phương sự thích thú nên nhiều bạn trẻ đã đến học tập.
Theo anh Đáng, để có một củ hủ dừa thì cần phải đốn một cây dừa sau khi được cưa gọn, chặt hết lớp vỏ, cuống lá... chỉ giữ lại phần đọt non, sau khi bóc sạch lớp vỏ thì còn lại khoảng 10 kg lõi trắng. Vì thế củ hủ dừa là món ăn 100% tự nhiên không có chất bảo quản có thể ăn sống hoặc trộn gỏi.
Thời điểm từ tháng 8 đến tháng chạp âm lịch được xem là thời điểm hút hàng củ hủ dừa vì được các nhà hàng đến đặt mua số lượng nhiều để làm các món ăn phục vụ mùa cưới và Tết.
Bình Định: Phát triển cây dừa xiêm trên đất cát |
Bến Tre: Liên kết trồng dừa theo hướng hữu cơ |
Trái dừa Bến Tre rẻ hơn cốc trà đá, người trồng dừa còn khốn đốn vì sâu hại |