Chiều ngày 31/7, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên. Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Công thương tỉnh Hưng Yên cho biết, năm 2020 sản lượng nhãn dự kiến đạt 50.000 tấn; vải 15.000 tấn; cam 33.000 tấn; chuối 66.850 tấn, thịt lợn hơi xuất chuồng 88.800 tấn, thủy sản 45.000 tấn, gà Đông Tảo gần 4.500 tấn, trứng gia cầm 302 triệu quả…
Tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, tuy nhiên đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói riêng, trong đó các nhóm nông sản chủ lực của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và xuất khẩu sang các nước.
Để đảm bảo đầu ra ổn định cho các nhà vườn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Hưng Yên tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên, trong đó, Hội nghị “Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên”.
Bên cạnh đó, từ hôm nay 31/7 tới 2/8 sẽ diễn ra Lễ hội Nhãn lồng Hưng Yên năm 2020 đã được tổ chức tại Quảng trường Nguyễn Văn Linh, Thành phố Hưng Yên.
Kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) - cho biết, nhãn lồng Hưng Yên nằm trong TOP 50 trái cây ngon nhất Việt Nam. Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng vùng trồng nhãn, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được Hưng Yên tổ chức bài bản nhằm kết nối tiêu thụ vào hệ thống phân phối hiện đại trong nước. Hưng Yên đã và đang tận dụng được vị thế là vệ tinh của thị trường Hà Nội. Nhãn và nông sản Hưng Yên đã có mặt tại các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Hà Nội, các chợ đầu mối cũng như các trung tâm tiêu dùng lớn của miền Trung và miền Nam. Nhãn cũng đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn.
Tuy nhiên, các chuyên gia, HTX nhận định, dù đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tuy nhiên, công tác tiêu thụ sản phẩm nhãn và nông sản tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.
Nguyên nhân do, thiếu doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất dẫn đến khi các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ cần lượng hàng lớn với chất lượng đảm bảo, đồng nhất thì gặp khó khăn. Sự gắn kết, phối hợp giữa những người trồng còn lỏng lẻo, chưa khắc phục được tính cá nhân, tự phát. Thương hiệu sản phẩm nhãn, cam Hưng Yên có những lúc bị lạm dụng về danh tiếng, bị pha trộn nhiều loại sản phẩm của các địa phương khác nhau làm giảm uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Để nâng cao giá trị thương mại cho trái nhãn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho rằng hoạt động xúc tiến thương mại của Hưng Yên nói riêng và các địa phương khác trên cả nước trong thời gian tới cần nghiên cứu và xây dựng theo hướng gắn với chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, sản phẩm cần phải tăng cường đầu đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất, đặc biệt là xây dựng mã vùng trồng để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường đòi hỏi truy xuất nguồn gốc. Với tiêu dùng xanh sạch, việc sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP hay quy hoạch vùng nhãn, nông sản theo hướng hữu cơ. Do đó, cần sự chủ động của tỉnh, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong khu vực có cùng sản phẩm trong việc hình thành các vùng trồng và chế biến lớn, gắn với các trung tâm giao dịch nông sản lớn của vùng, của quốc gia và quốc tế để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra các công cụ nền tảng trực tuyến về truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được sản phẩm.
Linh Anh