Ông Nguyễn Hải Đăng chăm sóc vườn sâm tổ của gia đình. |
Hơn nửa thế kỷ gìn giữ cây sâm tổ
Theo tương truyền cùng các tư liệu lịch sử, sâm Nam núi Dành được phát hiện từ thời vua Tự Đức, khi ấy mẹ ông trở bệnh dẫn đến mờ lòa cả hai mắt. Chạy chữa nhiều nơi không khỏi, năm đó, nhờ lấy được củ sâm Nam trên đỉnh núi Dành đem về chữa cho đôi mắt bà sáng trở lại. Hàng năm, sâm Nam núi Dành được săn tìm dâng lên tiến Vua.
Tiếng lành đồn xa, nhiều người cất công lên núi Dành tìm kiếm, khiến sâm Nam ngày càng khan hiếm. Ở thế kỷ trước sâm Nam núi Dành như dần bị lãng quên, sau nhiều nỗ lực của các nhà khoa học cùng các cấp chính quyền và nhân dân, sâm Nam núi Dành đã hồi sinh được nhiều khách hàng khắp nơi biết tới.
Người có công bảo tồn và phát triển giống sâm quý hiếm núi Dành là ông Thân Hải Đăng (ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập, huyện Tân Yên). Hiện trong vườn nhà ông còn lưu giữ cây sâm tổ núi Dành duy nhất.
Hiện gốc sâm tổ có tuổi đời gần 70 năm, ông Đăng nói gốc sâm này là do bà ngoại cùng mẹ ông lên núi Dành đào mang ra chợ bán lấy tiền đong gạo, khi đó cây nhỏ không bán được thì mẹ lại mang về trồng tại vườn nhà.
Cây sâm tổ núi Dành gần 70 năm hiện đã cao quá đầu người trong vườn nhà ông Đăng. |
Từ đó, ông cùng các anh em trong nhà được bố mẹ nhắc đến cây sâm quý, khi có trẻ con nóng sốt hay bị nhiệt thì đào củ sâm lên sao uống cho mát, bệnh sẽ dần khỏi mà không cần dùng thuốc. Hàng xóm xung quanh cũng thỉnh thoảng sang xin, bố mẹ ông lại đào cho.
Đến năm 2008, tình cờ đọc một bài báo với tựa đề "Củ sâm Nam từng tiến vua tái xuất ở vùng đất thiêng" có hình ảnh về loại sâm của nhà ông nhưng bên cạnh lại là một người khác nên ông liên hệ trực tiếp với tác giả bài báo để đính chính thông tin, trình bày về gốc sâm tổ lâu đời tại vườn nhà mình và mời tác giả trực tiếp về tham quan, tìm hiểu. Từ đây, cây sâm nam quý hiếm được nhiều người biết đến.
Cũng từ đó, ông Đăng cùng mọi người trong gia đình tìm cách nhân giống và bảo tồn cây sâm quý hiếm này. Cách nhân giống sâm cũng đơn giản, chỉ cần lấy đất bọc vào nhánh cây sâm, sau một thời gian nhánh cây mọc rễ thì cắt ra đem xuống trồng bình thường, cứ như vậy, sẽ có những cây sâm con.
Ông cho biết, sâm nam núi Dành leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm, chăm sóc khá đơn giản. Củ ở những cây sâm 1 - 2 năm tuổi chỉ to bằng ngón tay út người trưởng thành, ngoài 5 năm tuổi, sâm mới cho củ chất lượng và sử dụng được.
Giờ đây, vườn cây sâm tổ giống của ông Đăng được trồng bảo tồn nguồn gien ngay liền trước sân nhà, đến nay gia đình ông đã quy hoạch được vườn trồng sâm Nam giống và sâm củ với diện tích khoảng 01 ha.
Ông Nguyễn Hải Đăng và những sản phẩm rượu sâm Nam do chính mình chế biến. |
Hiện nay ông Đăng làm Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ Sâm Nam núi Dành Việt Lập. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ bán sâm củ, sâm giống và trà hoa sâm bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm. Toàn xã Việt Lập có khoảng trên 100 hộ trồng cây sâm Nam núi Dành thì có khoảng 30 hộ gia đình có quy mô trồng tập trung với tổng diện tích trên 08 ha, còn lại các hộ gia đình cá nhân trồng rải rác nhỏ lẻ trong vườn nhà để sử dụng.
Ông Nguyễn Đắc Văn, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho hay: “ Hiện nay trên địa bàn xã Liên Chung có khoảng trên 100 hộ gia đình thuộc 10 thôn trong xã trồng sâm Nam núi Dành với tổng diện tích khoảng trên 12 ha. Các thôn nằm giáp chân núi Dành phát triển mạnh hơn như: Thôn Lãn Chanh 1; Lãn Chanh 2; thôn Hậu; thôn Hương. Nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế bằng trồng cây sâm cho thu nhập từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng/năm. Mua sắm được ô tô, đồ dùng sinh hoạt cao cấp, đắt tiền, xây thêm được nhà cao tầng mới to đẹp và khang trang”.
Hành trình lan tỏa thương hiệu sâm tiến vua
Theo Sở NN-PTNT Bắc Giang, tổng diện tích sâm nam núi Dành trên địa bàn tỉnh khoảng 100ha, tập trung ở các huyện Tân Yên (71,5ha), Yên Dũng (9ha), Yên Thế (10ha), Lục Nam (5ha), Lục Ngạn (4,5ha)…
Trong đó, huyện Tân Yên đã có Đề án phát triển Sâm Nam núi Dành giai đoạn 2022 - 2027, với những nội dung hỗ trợ như hỗ trợ cấp mã số vùng trồng; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tem nhãn, bao bì; hỗ trợ tập huấn tuyên truyền cho nông dân; hỗ trợ hệ thống tưới tự động cho các mô hình với quy mô 0,5 ha/vùng trở lên.
Ở huyện Yên Thế, chính sách khuyến khích cây dược liệu này là hỗ trợ 60% giống, 50% vật tư (phân bón, thuốc BVTV) cho các mô hình trồng sâm nam Núi Dành.
Hoa sâm núi Dành cũng được sử dụng để chế biến thành các loại trà có giá trị cao. |
Hiện nay, các sản phẩm được chế biến từ sâm nam núi Dành rất đa dạng, ví dụ như rượu sâm từ củ và hoa; trà hoa sâm; tinh chất sâm thượng hạng Star SaViNa; trà sâm dạng hòa tan; dầu gội Thảo Mộc Sâm; trà Sâm Tây Yên Tử; thuốc viên sáng mắt sâm nam núi Dành; nước uống tăng lực sâm nam núi Dành…
Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành nông nghiệp Bắc Giang cũng xác định để phát triển loài cây này vẫn còn một số khó khăn. Đầu tiên là sâm nam Núi Dành mới được khôi phục, nhân giống bước đầu đưa vào sản xuất, mới xây dựng thương hiệu, người tiêu dùng còn ít biết đến nên khả năng tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, giá trị dinh dưỡng và giá trị dược liệu.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư sản xuất ban đầu rất cao, khoảng 500 - 800 triệu đồng/ha, trong khi đó thời gian cho thu hoạch kéo dài phải trên 5 năm. Chưa kể, sâm nam núi Dành chưa có quyết định công nhận lưu hành giống (theo Luật Trồng trọt).
Vườn sâm Nam thôn Đồng Sen, xã Việt Lập dưới chân núi Dành. |
Do đó, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ xây dựng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ NN-PTNT công nhận đặc cách giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như các khâu nhân giống (giâm hom, nuôi cấy mô tế bào…); chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; thu hoạch, sơ chế; chế biến sâu các sản phẩm từ củ, hoa, thân cây và lá.
Hiện tại, sâm núi Dành đang từng bước trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc sắc tỉnh Bắc Giang. Khi địa phương phát triển đại trà loài sâm, mở rộng mô hình trồng sâm theo chuỗi liên kết, bảo tồn nguồn gene sẽ tạo nhiều cơ hội khởi sắc, phát triển kinh tế đị phương. Trong tương lai, sâm núi Dành sẽ là một trong số những biểu tượng nông nghiệp giá trị cao – là báu vật của vùng đất Bắc Giang./.