Sâm Lai Châu mở hướng làm giàu cho nông dân miền núi Có khi nào ‘quốc bảo’ sâm Lai Châu bị tuyệt chủng? Vườn sâm Lai Châu cực hiếm nơi đại ngàn, mỗi cây trị giá tới 300 triệu đồng/kg |
Những củ sâm Mã Viện (sâm Ẳng Bằng) mọc tự nhiên như cây dại trên núi hoặc trong vườn.Ảnh: Dương Đình Tường. |
Sản vật sâm Mã Viện hay sâm Ắng Bằng
Cuộc sống của người dân bản ‘người rừng’- tức khu kinh tế mới Ắng Bằng (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) vẫn còn gian khó nhưng bù lại có một đặc sản là củ sâm Mã Viện hay còn gọi là sâm Ắng Bằng.
Ông Bùi Xuân Biền 85 tuổi là đảng viên duy nhất của xóm giải thích: “Tại sao Ắng Bằng có củ sâm Mã Viện? Khi Mã Viện đem quân xâm lược nước ta đã đưa một loại sâm quý của Trung Quốc sang trồng ở trên núi Ắng Bằng để bồi dưỡng thể lực cho binh tướng. Liên quan đến Mã Viện, hiện ở dưới núi có một tấm bia đá ghi bằng chữ Hán, trên núi có cái thung Dốt trước dùng để nhốt lính Việt vào đó, có khu vườn hoa làm cảnh mua vui cho binh tướng Tàu.
Từ xa xưa, cụ kị chúng tôi truyền lại trên Ắng Bằng có loại sâm rất quý gọi là sâm Mã Viện, nó có thân mình giống cây vung vang, hoa màu vàng, quả khi già có màu xám, bên trong có nhiều hạt, khi chín sẽ tự bắn ra, rơi ra ngoài. Sâm này không giống mùi sâm Hàn Quốc hay sâm Bố Chính của ta, củ của nó cũng khác. Sâm Bố Chính, sâm Hàn Quốc củ không “khôn”, không “béo”, không đẹp bằng sâm Mã Viện.
Ông Bùi Xuân Biền bên những củ sâm Mã Viện. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Các loại sâm khác hoa đều màu đỏ nhưng sâm Mã Viện lại có hoa màu vàng, tuy nhiên nó không nằm ngửa đón ánh mặt trời như thường thấy mà nằm úp khum khum xuống. Chẳng biết mấy tuổi sâm thu hoạch được nhưng củ càng già lại càng tốt, củ to nhất chỉ hơn ngón chân cái, nặng khoảng 100 gram. Củ sâm thái lát ra thấy nhớt nhớt, khi đi dỡ sắn, đang trưa nóng mệt mà đào thấy thường chúng tôi chỉ cần cạo vỏ đi rồi ngồi nhai như nhai khoai lang sống, thấy tỉnh cả người, đỡ hẳn mệt, rất mát ruột.
Những năm 1970 - 1980, xã Tuy Lai có tổ chức trồng dược liệu ở trên núi Ắng Bằng trong đó có sâm Bố Chính. Dân mang cả tải sâm Bố Chính ra phố Lãn Ông ở Hà Nội để bán cho hiệu thuốc Bắc, thế mà có củ sâm Ắng Bằng lẫn nào người ta nhặt ra được hết và rất quý. Trước tôi làm lái xe trong quân đội hơn 20 năm, tiếp xúc nhiều nhưng không ở đâu thấy có loại sâm như Ắng Bằng. Ngay cả ở trong vùng này cũng không chỗ nào có loại sâm đó ngoài trên núi”.
“Khu Ắng Bằng này nếu không có du lịch thì chỉ đầu tư vào trồng dược liệu là tốt nhất bởi chất đất, khí hậu rất đặc biệt. Xưa người Tàu đã trồng sâm ở đây hẳn là đã có nghiên cứu kỹ về chất đất, khí hậu rồi. Trước đây lúa tốt là do có bèo hoa dâu, còn sâm ở Ắng Bằng tốt là do có con rún - một loại rêu đá to như mộc nhĩ, che bóng mát cho nó, khi đói dân thường lấy cả rún về ăn. Thế nên mới có câu: “Ở đâu có rún là ở đó có sâm”. Khi sâm ít đi thì rún trên núi cũng mất dần”, ông Biền kể.
Ông Bùi Xuân Biền bên tấm biển Hội nghiên cứu bảo tồn dược liệu sâm Ẳng Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Sâm Ẳng Bằng mọc tự nhiên như cây dại
Trưởng khu Phùng Văn Bằng kể rằng xưa trên Ắng Bằng sâm cũng không phải là ít nhưng do cỏ cây rậm rạp nên con người khó tìm thấy. Từ khi bà con ở khu kinh tế mới lên đây, làm vườn, làm nương, dọn sạch cỏ thì mới lộ ra nhiều cây sâm. Trong vườn nhà anh Bằng có hàng trăm cây như vậy, nhiều nhất “bản người rừng”, có những gốc đã 3 năm tuổi.
“Trong vườn nhà nào ở đây cũng có sâm, chỉ có ít hay nhiều mà thôi. Vườn nhà tôi sở dĩ có nhiều bởi thường xuyên dọn cỏ và giữ lại sâm. Những năm còn làm màu, mỗi năm tôi bán hơn 10kg sâm, mỗi kg được 1,2 - 1,4 triệu, dù không trồng gì cả mà cây tự phát tán, gieo hạt. Mùa đông là vụ quả chính còn hoa thì có quanh năm.
Giờ tôi bỏ làm màu, cỏ mọc rườm rà, lấn hết sâm, cây nhỏ, lẫn trong cỏ không để ý được. Vừa rồi có người đặt gửi cho họ 200 gram hạt giống và 3kg sâm để về nghiên cứu nhưng tôi đành chịu vì giờ còn quá ít. Bình này tôi ngâm 1kg sâm với mật ong rừng, dù ngâm củ khô hay củ tươi sau này nước ra vẫn có màu vàng. Tôi đang tuổi khỏe nên uống hết cả bình sâm ngâm mật ong cũng chẳng biết tác dụng cụ thể, chỉ có các cháu nhỏ bị sốt hay ho uống vào mới rõ công hiệu nhất. Còn chất lượng của sâm Mã Viện tốt như thế nào cần phải có phân tích chuyên sâu”.
Anh Nguyễn Văn Hiệu đang dùng dao để đào sâm Ẳng Bằng trong vườn nhà trưởng khu Phùng Văn Bằng. Ảnh: Dương Đình Tường. |
Cùng là sâm Ắng Bằng nhưng ở trên sườn núi cao tốt hơn hẳn sườn núi thấp. Dịp cuối năm khi lá cây rạc đi, chất dồn vào củ thì dân trong xóm thu hoạch, ngâm cả củ sâm vào mật ong hoặc thái lát ra, phơi khô bỏ vào lọ cùng ít gạo nếp để hút ẩm. Khi con cháu sốt rét, sốt nóng họ lấy vài lát ra hấp cơm với mật ong rồi uống, nhai nuốt hết cả bã thì cơn sốt lập tức bị đẩy lùi, lại chơi được luôn chứ không bị mệt như uống thuốc Tây. Điều đặc biệt là trẻ con bị đi ngoài nặng, uống vào cũng nhanh lại người chứ không như nhiều loại sâm khác kị đi ngoài, đã được người xưa đúc kết thành câu “đau bụng uống nhân sâm thì tắc tử”.
Khi có người ốm cũng dùng theo cách tương tự. Có người bị ốm rất nặng, không thuốc gì chữa được, đang chờ thời khắc để “đi” thì có người hàng xóm mang cho mấy lát sâm Mã Viện. Thế mà uống xong ông khỏe lại, sống được thêm hơn 10 năm nữa mới chịu theo tiên tổ. Công hiệu là thế nhưng bởi từ xưa sâm Mã Viện trên dãy núi Ắng Bằng đã hiếm nên không có nhiều để lưu hành ra nơi khác, thành ra rất ít người biết tiếng.
Sản vật sâm Mã Viện hay sâm Ẳng Bằng là thứ sản vật thiên nhiên ban tặng nhưng vẫn chưa được khai phá. Những củ sâm với giá trị dược liệu vô cùng quý hiếm vẫn ẩn mình trên sườn đồi núi Ẳng Bằng như cây dại mọc hoang. Không chỉ là cây chữa bệnh, người dân nơi đây cũng khát khao xây dựng thượng hiệu để lan tỏa thứ sản vật quý giá của quê hương mình./.