Bún Mạch Tràng - Tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Về xứ Huế thưởng thức 4 món bún lừng danh Cách nấu món bún Thái hải sản chua cay, đúng điệu |
Bún ngũ sắc Cao Bằng |
Quay lại guồng sản xuất mới
Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thời điểm này, làng nghề sản xuất bún ngũ sắc tại xóm Hồng Quang 2 đã bắt đầu nhộn nhịp, trở lại guồng sản xuất mới.
Xóm Hồng Quang 2 được sáp nhập từ xóm Hồng Quang 5 và 6 với nghề làm bún ngũ sắc truyền thống. Gọi là bún ngũ sắc, nhưng người dân nơi đây lại sản xuất ra loại bún với 8 màu độc đáo. Điều đặc biệt, tất cả các màu đều được làm từ nguyên liệu tự nhiên, nói không với phẩm màu.
Gạo chọn làm bún phải là gạo bao thai lùn trồng tại địa phương. Về máu sắc, ngô tẻ cho ra màu vàng; cây chùm ngây ra màu xanh lá; hoa đậu biếc ra màu xanh da trời; bún màu đỏ được làm từ gạo lứt đỏ; màu tím từ lá cẩm, khoai lang tím,.. hay quả gấc cho ra màu cam,...
Theo các hộ sản xuất trong xóm, trước đây chủ yếu làm bún trắng truyền thống, sau đó tìm tòi các nguyên liệu từ tự nhiên để tạo ra bún với nhiều màu sắc khác nhau, rồi cùng xây dựng thương hiệu và được khách hàng ở các tỉnh thành trong cả nước biết đến.
Nguyên liệu làm ra bún với nhiều màu sắc hoàn toàn tự nhiên |
Để làm ra được loại bún ngon cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Ví dụ với bún màu vàng, ngô tẻ sau khi phơi khô sẽ được đem đi xay nhỏ rồi ngâm qua đêm, sáng hôm sau đem ngô xát mịn rồi trộn cùng với bột gạo, cho vào máy trộn, pha thêm nước; với bún cẩm, phải đun lá cây cẩm tím, lọc bỏ bã và chỉ lấy nước, đem gạo ngâm cùng qua đêm, khi đã đạt thời gian thì đem gạo xát thành bột, trộn thêm nước lá cẩm để tạo màu....
Các công đoạn kế tiếp khi chế biến các loại bún khác là giống nhau, đều đem hỗn hợp bột gạo vừa trộn cho vào máy ép để cho ra từng sợi bún nhỏ, sau đó căn thật chuẩn để cắt bó sợi bún đều từ 70 - 80cm, phơi lên sào. Công đoạn cuối là ủ bún qua đêm để sợi tơi rồi phơi ở những nơi râm có nắng, gió thông thoáng từ 3 - 5 ngày. Đặc biệt khi phơi phải tránh nơi có nắng gắt hoặc quá nhiều gió, nếu không bún sẽ giòn và dễ gãy vụn khi vận chuyển đi xa.
Gìn giữ, phát triển thương hiệu bún ngũ sắc của địa phương
Vì bún ngũ sắc tại xóm Hồng Quang được “nhuộm” bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, hạt gạo được chọn lọc kỹ càng, cộng thêm bí quyết gia truyền lâu năm của người dân địa phương nên sợi bún khi nấu lên vừa dai, vừa mềm,… mang lại nét đặc trưng riêng biệt.
Sau khi đưa ra thị trường, sản phẩm bún khô do các hộ trong xóm tạo được sức hút riêng với nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước vì hương vị độc đáo, màu sắc bắt mắt. Du khách bắt đầu đến mua sắm, tham quan, chụp ảnh tại xóm ngày càng đông, cũng vì thế mà sản lượng tiêu thụ của loại bún này cũng tăng theo.
Để đáp ứng đủ sản lượng bún cung cấp ra thị trường, nhiều hộ sản xuất đã thay thế một số công đoạn từ thủ công sang máy móc, tuy nhiên vẫn đảm bảo giữ được hương vị vốn có.
Hiện trung bình mỗi ngày, các cơ sở sản xuất được 7 - 8 tạ bún khô các loại, riêng thời điểm cận tết, sản lượng có thể tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba.
Đặc biệt, ngoài nguyên liệu an toàn thì khâu sản xuất và đóng gói cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh. Nhiều cơ sở sản xuất bún tại địa phương đã được UBND tỉnh thẩm định, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện trên thị trường, giá các loại bún khô trung bình từ 20 - 40.000 đồng/kg tùy loại, như bún trắng truyền thống chỉ 20.000 đồng/kg, còn các loại bún mix màu, đậu biếc, ngô, gạo lứt,... thường có giá 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Hoàng Quang Dũng chia sẻ: “Hiện xã có trên 10 hộ gia đình sản xuất loại bún ngũ sắc này. Thị trường chủ yếu xuất bán trong tỉnh, một số hộ liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo để tiêu thụ sản phẩm tới các siêu thị, cửa hàng,..
Để gìn giữ, phát triển hơn nữa sản phẩm bún khô của địa phương, thời gian tới, xã Hưng Đạo sẽ tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân; khảo sát mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ngoài ra, kiến nghị lên UBND tỉnh hỗ trợ tiêu thụ, dán mác sản phẩm... giúp người dân ổn định kinh tế và phát triển bền vững trong tương lai”.
Hiện nay, bún ngũ sắc Cao Bằng với hương vị độc đáo tạo được sức hút riêng với khách hàng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các cơ sở sản xuất bún tại địa phương không chỉ phục vụ xuất bán ra thị trường, mà đây còn trở thành địa điểm check-in độc đáo, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.