EU cảnh báo đối với 02 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam 5 lưu ý dành cho doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU Chính phủ yêu cầu tiếp tục kiểm tra làm rõ nguyên nhân mì Hảo Hảo có chất Etylen oxit |
Doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì khi xuất khẩu nông sản sang EU? |
Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ). Trong bối cảnh dịch Covid-19, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế thương mại toàn cầu, các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp bị hủy bỏ, thì thị trường EU với việc kiểm soát tốt dịch Covid- 19, đã tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là xuất khẩu nông sản.
Ngoài cung ứng cho thị trường nội địa, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hiện đã có mặt hơn 180 thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU… Đáng chú ý, có 9 nhóm sản phẩm nông nghiệp, luôn giữ vị trí cao trong “top” kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD/năm, đặc biệt trong đó có tôm, rau quả, hạt điều, gạo, là những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lên đến hơn 3 tỷ USD/năm.
Trong những tháng vừa qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, đã khiến đứt gãy nguồn cung cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng với thị trường EU, nông sản của Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này luôn tăng ở mức cao như: Đức 458 triệu USD, Hà Lan 363 triệu USD… trong 8 tháng đầu năm 2021 (mức này tăng cao hơn so cũng kỳ năm 2020).
Năm 2021 được coi là dấu mốc quan trọng của hàng nông sản Việt Nam khi các loại trái cây như vải, nhãn tươi, được xuất khẩu trực tiếp sang một số nước EU bởi các doanh nghiệp Việt Nam sau khi được hỗ trợ kết nối, giới thiệu với các công ty nhập khẩu. Việc phân phối quả vải tươi không chỉ trong hệ thống cửa hàng, siêu thị châu Á mà đã chính thức thâm nhập vào các chuỗi siêu thị thực phẩm tại EU.
Hiện thị trường nhập khẩu nông sản EU bắt đầu khởi sắc do tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, Chính phủ các nước thành viên EU thúc đẩy mở rộng việc tiêm vaccine, áp dụng quy định giấy thông hành vaccine, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch, do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng so với giai đoạn trước. Đây cũng là thời điểm thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường này. Ngoài ra, với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), hàng hóa Việt Nam khi XK vào EU cũng có nhiều lợi thế hơn do được ưu đãi thuế quan.
Ông Trần Phú Lữ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, thời gian qua tuy doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong hoạt động sản xuất, giao thương, vận chuyển hàng hoá vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vốn có nhiều tiềm năng sẽ có nhiều cơ hội phát triển và xuất khẩu đến các thị trường quốc tế.
Tuy nhiên ông Trần Phú Lữ nhìn nhận: Doanh nghiệp Việt còn tồn tại những hạn chế vẫn chưa thể khắc phục được. Một số sản phẩm như hạt tiêu, hạt điều, tôm, cá tra, cà phê, gạo… tuy đứng đầu về giá trị xuất khẩu, nhưng giá xuất khẩu thấp hơn nhiều so với giá sản phẩm cũng loại của các nước cạnh tranh trong khu vực.
Bệnh cạnh đó, chất lượng sản phẩm xuất khẩu chưa đồng đều, chưa có tính ổn định, trong khi yêu cầu của các nước nhập khẩu lại ngày càng cao, nhất là các yêu cầu về VSATTP, truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm nông sản Việt Nam có thương hiệu còn ít, từ đó làm giảm sức cạnh tranh và hạn chế sự tham gia sâu vào các hệ thống phân phối bán lẻ các nước nhập khẩu.
Mới đây, EU cũng đã đưa ra cảnh báo đối với 2 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do chứa chất cấm hoặc vượt dư lượng cho phép, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong tháng 9/2021. Đó là sản phẩm đùi ếch đông lạnh của một doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang và quả bưởi của một doanh nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu.
Trước đó, tháng 8/2021, EU cũng đưa ra cảnh báo đối với sản phẩm mì tôm Hảo Hảo chua cay và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam; Và mì khô vị bò gà của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương do chứa chất ethylene oxide.
Để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường EU trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, cũng như tăng cường các hoạt động thương mại và tìm kiếm cơ hội, đối tác tiềm năng, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) vừa phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội thảo "Xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh Covid-19: Những thách thức và bài học thành công”.
Bà Võ Thị Ngọc Diệp – Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan lưu ý: Các doanh nghiệp muốn tìm kiếm thông tin thị trường thì thông qua thương vụ các nước tại EU, các thông tin này đăng tải trên trang web của Bộ Công Thương. Bên cạnh đó còn có trang web quy định chính sách của EU đối với từng nhóm, ngành hàng cụ thể, đăng tải trên trang web của EU.
"Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp Việt kiều vì họ hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng EU cũng có công rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp Việt đưa hàng vào các kênh phân phối", bà Diệp lưu ý.
Liên quan đến nội dung xuất khẩu hàng hóa sang EU và kinh doanh tại thị trường này, mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra 5 lưu ý về những hành vi mà doanh nghiệp Việt Nam "không được thực hiện" hoặc "không nên thực hiện" khi kinh doanh tại thị trường châu Âu (EU) để tránh được những rủi ro, thua thiệt không đáng có.