Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang trên đà phát triển để trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương gồm Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.
Theo đó, Quảng Ninh kỳ vọng trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng-an ninh.
Định hướng Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh |
Quảng Ninh quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, thương mại tại các địa bàn ven biển và hải đảo; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển khu du lịch sinh thái biển-đảo chất lượng cao, du lịch cộng đồng và đầu mối giao thương quốc tế theo hướng: Tập trung phát triển nhanh theo hướng bền vững du lịch sinh thái, hình thành trung tâm du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế tại Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô và các xã đảo ở Hải Hà, Móng Cái, khu vực vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá tại các huyện Cô Tô, Vân Đồn; hình thành 3 trung tâm nghề cá trọng điểm gắn với vùng nuôi trồng thủy sản và ngư trường trọng điểm tại các địa phương như: Vân Đồn, Cô Tô, Đầm Hà; hình thành hai trung tâm thương mại thủy sản tại thành phố Hạ Long.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển hạ tầng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại hóa, thích ứng với xu thế phát triển của thương mại thế giới; phát triển logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu thương mại, phát huy lợi thế chiến lược để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ cho phát triển kinh tế biển.
Quảng Ninh hoàn thiện cở sở phục vụ kinh tế biển |
Về công nghiệp ven biển và ngành kinh tế kiểu mới, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực tăng trưởng chính như công nghiệp sửa chữa và đóng tàu chú trọng ứng dụng công nghệ lắp ráp tàu chất lượng cao, du thuyền...; đồng thời tăng cường liên kết giữa ngành đóng tàu và các ngành công nghiệp phụ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài và vào các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu.
Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản theo hướng tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, đặc biệt chú trọng đến công tác an toàn thực phẩm, hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng của các thị trường lớn trên thế giới.
Quảng Ninh cũng áp dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chuyển từ khai thác xuất khẩu thô sang chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và tiết kiệm tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững.