Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 lần thứ 5 - Ảnh: VGP |
Diễn đàn Kinh tế Thành phố (HEF) lần thứ 5 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh" diễn ra từ ngày 24-27/9/2024. Đây là sự kiện quốc tế thường niên do UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức.
Cùng tham dự lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi; lãnh đạo các ban, bộ ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố; đại diện các nước, các địa phương của các nước, các cơ quan ngoại giao, lãnh sự, các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiến kế nhiều nội dung về chuyển đổi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quá trình chuyển đổi số, kinh tế xanh…
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: TP.HCM triển khai chuyển đổi công nghiệp từ khá sớm, từ năm 2000 đã có sự dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và sử dụng nhiều lao động. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp thông minh, có khu công nghiệp công nghệ cao. Đến 2023, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP có tỷ lệ công nghiệp kinh tế số đóng góp gần 15% ttrong GDP, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỷ USD.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh hiện mới chỉ có những mô hình ban đầu. Kinh tế tuần hoàn còn nhiều vướng mắc, đang định hình đường hướng phát triển, năng lực cạnh tranh khiêm tốn, thiếu doanh nghiệp dẫn đầu. Các ngành công nghiệp còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động nhiều và đã đạt giới hạn, chi phí thuê đất công nghiệp cao.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm, GDP, tỷ lệ xuất khẩu đang sụt giảm. Năm 2023, giá trị gia tăng chỉ chiếm 12 tỷ USD và chiếm 19% GDP của Thành phố, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%. TP.HCM đang chuyển sang phát chuyển thương mại, dịch vụ nhưng công nghiệp phát triển chưa bền vững và thực sự hiệu quả, đây là những hạn chế của Thành phố thời gian qua.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm. |
Trước những hạn chế và thách thức này, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. UBND TP vừa ban hành kế họach hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp sẽ làm rất mạnh trong thời gian tới. TP. HCM cũng đã triển khai chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030...
Trao đổi về xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi công nghiệp trên thế giới, bà Kiva Allgood, Giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, Thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, các xu thế chủ đạo chuyển đổi chuyển đổi công nghiệp trên thế giới chịu tác động của việc xuất hiện liên tục các công nghệ mới. Sản xuất công nghiệp có sự thay đổi sâu sắc do sự dịch chuyển chuỗi chung ứng cũng như nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bền vững ngày càng cao.
TS Chad Bown - Kinh tế trưởng, Bộ Ngoại giao Mỹ - cũng cho rằng quá trình chuyển đổi công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng và Việt Nam đang có cơ hội thu hút FDI, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.
"Năm 2023, Mỹ đã cấp thị thực cho khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam qua du học, tập trung vào các ngành STEM, kỹ thuật, toán học, công nghệ và kinh doanh. Điều này cũng là một trong những cách để cùng làm việc trong quá trình chuyển đổi; cùng nhau tìm kiếm những cách thức hợp tác" - TS Chad Bown nói.
Theo bà Kiva Allgood, các xu hướng lớn đang thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra những thách thức nhưng cũng mang lại những cơ hội đáng kinh ngạc cho TP.HCM và Việt Nam. Với vị trí rất chiến lược và cơ sở sản xuất đã được thiết lập đây là thời điểm để TP.HCM, để Việt Nam tiếp tục phát triển, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất. Cùng với sự thành lập Trung tâm C4IR tại TP.HCM - Việt Nam, Chính phủ, ngành công nghiệp, chuyên gia, hãy cùng nhau nắm bắt thời điểm này và định hình tương lai của ngành sản xuất.