Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng Tổng thống Donald Trump sẽ công bố áp thuế với nhiều nước đầu tuần tới Tổng thống Donald Trump sắp áp thuế 25% với thép, nhôm nhập khẩu vào Mỹ |
![]() |
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN với nhiều nhóm mặt hàng, trong đó có ô tô. |
Giảm thuế với nhiều nhóm mặt hàng
Chiều 25/3, Bộ Tài chính cho biết đã đề xuất dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 26 năm 2023 để điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu một số nhóm mặt hàng.
Về việc tới đây sẽ điều chỉnh thuế suất của các nhóm mặt hàng, ông Nguyễn Quốc Hưng - cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) - cho biết trong dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế nhập khẩu MFN (là mức thuế áp dụng cho các nước trong WTO) đối với các nhóm mặt hàng.
Cụ thể ô tô thuộc 3 mã hàng HS 8703.23.63, 8703.23.57, 8703.24.51 được đề xuất giảm thuế nhập khẩu từ mức 64% và 45% về cùng một mức thuế suất là 32%.
Thuế suất nhập khẩu của các mặt hàng khác như ethanol dự kiến giảm từ 10% xuống 5%; đùi gà đông lạnh từ 20% xuống 15%; hạt dẻ cười từ 15% xuống 5%; hạnh nhân từ 10% xuống 5%; quả táo tươi từ 8% xuống 5%; quả anh đào ngọt (cherry) từ 10% xuống 5%; nho khô từ 12% xuống 5%.
Mặt hàng gỗ và các sản phẩm gỗ thuộc nhóm 44.21, 94.01 và 94.03 có thuế suất 20% và 25% sẽ xuống cùng một mức thuế suất là 5%. Thuế mặt hàng khí tự nhiên dạng hóa lỏng (LNG) giảm từ 5% xuống 2%.
Cải thiện cán cân thương mại, tăng sức mua tiêu dùng
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hưng - cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính). |
Vì sao lại có đề xuất trên, Bộ Tài chính lý giải để ứng phó với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình địa chính trị kinh tế trên thế giới, đặc biệt việc thay đổi chính sách kinh tế, thương mại, thuế quan, tác động nhanh chóng, mạnh mẽ, sâu sắc, nhiều chiều đến kinh tế, đầu tư và thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/3/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ việc sửa Nghị định 26/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023 để điều chỉnh thuế suất một số nhóm mặt hàng đảm bảo hài hòa, hợp lý theo trình tự thủ tục rút gọn, hoàn thành trong tháng 3 năm 2025.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (đơn vị chủ trì sửa đổi Nghị định) cho biết Bộ Tài chính đã trình Dự thảo Nghị định với 3 mục tiêu: (1) góp phần cải thiện cán cân thương mại với các Đối tác thương mại của Việt nam; (2) khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa hàng hóa nhập khẩu, tạo sức mua cho người tiêu dùng; (3) đảm bảo đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
“Nguyên tắc xây dựng Nghị định là đảm bảo thực hiện các nguyên tắc ban hành thuế suất quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được hoặc đã sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Cũng theo ông Hưng, Dự thảo Nghị định tập trung điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao các nước quan tâm. Mức thuế suất điều chỉnh cơ bản không thấp hơn các mức thuế suất của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; đảm bảo không phát sinh mức thuế suất mới tại Biểu thuế; đảm bảo thống nhất mức thuế suất đối với hàng hóa cùng tính chất, cùng chủng loại để hạn chế gian lận thương mại, gây khó khăn trong công tác phân loại, tính thuế hàng hóa.
Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng xuất khẩu hàng hóa) và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Năm 2024 tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt hơn 132 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 119 tỷ USD, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 15 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023. Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đạt khoảng 104 tỷ USD (gấp 7 lần trị giá nhập khẩu của Việt Nam từ Hoa Kỳ). Những năm qua, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước tăng trưởng mạnh mẽ ổn định; thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ tăng tương ứng qua từng năm. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Việt Nam cũng là vấn đề Hoa Kỳ quan ngại từ nhiều năm, đặc biệt từ năm 2019 khi Hoa Kỳ yêu cầu hai bên cùng xây dựng và triển khai một Kế hoạch hành động Việt Nam - Hoa Kỳ hướng đến cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Do đó, theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng để đảm bảo đối xử công bằng giữa các Đối tác Chiến lược toàn diện của Việt Nam là cần thiết. Ngày 11/9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Đối tác chiến lược Toàn diện là mức độ cao nhất trong hệ thống các mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia hoặc giữa quốc gia và tổ chức quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 11 quốc gia khác: Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Pháp, Malaysia, New Zealand, Indonesia, Singapore. 11/12 quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện này đã nằm trong các Hiệp định thương mại song phương, đa phương và Việt Nam là thành viên, được hưởng các ưu đãi về thuế quan tại các Hiệp định này. |