6.000 đơn vị hưởng lợi từ chương trình xúc tiến thương mại trong năm 2024. |
Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2024, mặc dù phải đối mặt với những thách thức về tình hình chính trị, kinh tế, thương mại thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, chuyển động đa chiều, đa hướng và không theo quy luật, tuy nhiên công tác xúc tiến thương mại đã quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, định hướng của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp trọng tâm của ngành Công Thương qua đó đã đạt được những thành tích rất tích cực.
6.000 đơn vị hưởng lợi từ chương trình xúc tiến thương mại
Theo thống kê sơ bộ, các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trong năm 2024 đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại địa phương, tham gia và hưởng lợi.
Trong đó, tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các hội chợ, triển lãm quốc tế đạt gần 100 triệu USD (chưa bao gồm các hợp đồng được ký kết sau hội chợ, triển lãm, giao thương), doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng.
Đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng; gặp gỡ, kết nối với các đối tác. Cũng như tận dụng được các lợi thế từ các FTA; quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các nhà nhập khẩu nước ngoài; tìm kiếm được nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Song song việc tổ chức các hội chợ, triển lãm quốc tế ở trong nước mang tầm quốc gia, nhiều đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài được tổ chức, giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thị trường, kết nối với các đối tác kinh doanh, đầu tư triển vọng như tại Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Cục phối hợp với các đơn vị liên quan đưa 11 đoàn doanh nghiệp Trung Quốc và Hoa Kỳ về giao dịch, làm việc với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2024, trên 500 lượt tư vấn, cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp, đặc biệt là các thông tin về những thị trường xuất khẩu lớn và thị trường mới còn nhiều dư địa khai thác đã được Cục Xúc tiến Thương mại triển khai…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Cục Xúc tiến Thương mại chỉ ra những khó khăn trong công tác xúc tiến như nguồn lực ngân sách nhà nước còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính) điều chỉnh kịp thời. Nguồn kinh phí cấp cho Chương trình thương hiệu quốc gia còn rất khiêm tốn so với nhu cầu và đề xuất của các Bộ, ngành nên chưa triển khai được các chương trình tầm cỡ.
Hơn nữa, mô hình tổ chức về cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương trên cả nước chưa thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan xúc tiến thương mại ở cả trung ương đến địa phương trong phối hợp, liên kết triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.
Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ và đào tạo về thương hiệu tại địa phương còn chưa được triển khai đồng đều, chỉ tập trung chủ yếu vào một số tỉnh, khiến việc nâng cao năng lực chung bị hạn chế. Công tác truyền thông, quảng bá tuy đã đẩy mạnh nhưng chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao, việc phối hợp giữa các cơ quan, doanh nghiệp và địa phương còn lỏng lẻo.
4 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương). |
Năm 2025, theo Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội đặt ra mục tiêu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Trong bối cảnh đó, để xuất khẩu tiếp tục trở thành động lực quan trọng góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua tại, Cục Xúc tiến thương mại xác định những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Một là, triển khai công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Xây dựng, triển khai hoạt động xúc tiến thương mại theo định hướng về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với diễn biến của kinh tế thế giới, tận dụng các cơ hội thị trường quốc tế cũng như thị trường trong nước.
Hai là, xây dựng, thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nguyên nhiên vật liệu, sản phẩm đáp ứng về tiêu chí kinh tế tuần hoàn. Chú trọng thực hiện công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường để qua đó góp phần thúc đẩy chuyển xanh, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới, tham gia sâu và hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tư vấn cung cấp thông tin, cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu, qua đó góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế; đào tạo về kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại;...
Bốn là, triển khai công tác phát triển thương hiệu theo hướng tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài; xây dựng các sản phẩm truyền thông phù hợp để quảng bá về Thương hiệu quốc gia, sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, các thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý trên các nền tảng mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa; tăng cường công tác hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm Việt Nam (gạo, cà phê và thủy sản) tại thị trường nước ngoài.