Theo Viện Y dược học dân tộc TP. HCM, củ sâm đất còn có tên gọi khác là Yacon hay Hoàng Sin Cô, dân gian còn gọi là khoai sâm.
Loại cây này có hai nguồn gốc xuất xứ, ở vùng Trung Mỹ, nó được coi như một loại thực phẩm từ rất lâu. Còn ở Việt Nam, cây này được du nhập từ vùng Tân Cương, Trung Quốc với tên Hoàng Sin Cô.
![]() |
Củ sâm đất không chỉ là thực phẩm mà còn là thuốc quý trong Đông y |
Ở Việt Nam, khoai sâm đặc sản nổi tiếng được trồng ở Lào Cai: Khoai sâm (hay còn gọi là sâm đất, địa tàng thiên, hoàng shin cô..) là loại cây mọc hoang trong vườn nhà, trong rừng hoặc những nơi ẩm ướt.
Từ lâu đời, dân gian ta đã biết sử dụng lá sâm đất để nấu canh, để luộc thành rau ăn vì đây là món ăn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Còn trong Đông y, củ sâm đất được coi là một vị thuốc quý, rất đáng được sử dụng để phòng chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.
Được coi là một đặc sản nổi tiếng ở Lào Cai, củ khoai sâm được bà con dân tộc nơi đây trồng rất nhiều. Nhìn về ngoài, củ khoai sâm đất khá giống khoai lang. Tuy nhiên khi bổ ra, chúng có ruột trắng trong hoặc có màu vàng nhạt, mùi thơm tựa như nhân sâm.
Củ sâm đất chứa nhiều chất fructooligosaccharide, gọi tắt là FOS. Dưỡng chất này có lợi cho sức khỏe với 3 công dụng chính.
Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư đại tràng
Dưỡng chất này điều chỉnh được hệ thống vi khuẩn ở trong đường ruột, từ đó tăng cường hệ miễn dịch. Hệ thống đường ruột của con người có rất nhiều vi khuẩn. Những vi khuẩn này cung cấp một số chất miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa.
Sau khi chúng ta sử dụng các loại kháng sinh, ngoài việc diệt được vi khuẩn bệnh lý thì cũng diệt luôn các vi khuẩn đường ruột có lợi. Vì vậy đa phần chúng ta sẽ bị rối loạn tiêu hóa sau khi sử dụng kháng sinh.
![]() |
Sâm đất nhìn bên ngoài rất giống củ khoai lang nhưng bên trong có màu vàng trong, mọng nước |
Tác dụng hạ đường huyết
Củ sâm đất có tác dụng hạ đường huyết khá rõ rệt trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường.
Liên quan đến bệnh lý béo phì
Loại củ này làm cho cơ thể mau no, đẩy nhanh quá trình bài tiết ra ngoài vì nó tăng nhu động ruột. Tác dụng phụ của nó gây rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân dễ bị tiêu chảy…
Các bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên, nên sử dụng củ này càng sớm thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng càng tốt, không nên nghe theo quảng cáo trên mạng rằng khoai sâm có thể để lâu được 3- 4 tháng.
Khi chúng ta bị các bệnh lý như ung thư đại tràng, bệnh lý đái tháo đường hay béo phì thì tốt nhất vẫn nên có các bác sĩ khám và tư vấn để đưa ra một chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng như một phương pháp điều trị hợp lý, bản thân cây sâm đất chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị.
Sâm đất có rất nhiều công dụng chữa bệnh, thời gian gần đây được nhiều người bán hàng quảng cáo. Mặc dù rất tốt cho sức khỏe nhưng lương y Vũ Quốc Trung lưu ý, mọi thứ đều phải đúng liều lượng quy định, thực phẩm để làm thuốc như củ sâm đất cũng vậy.
Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền, Hội Đông y Việt Nam) từng khẳng định: "Sâm đất có thể gây độc nếu sử dụng quá liều hoặc sử dụng sai cách. Khi sử dụng với liều cao có thể gây nôn mửa và ra nhiều mồ hôi". Do đó, khi sử dụng củ sâm đất cũng như bất cứ bộ phận nào để làm thuốc nhất thiết phải tham khảo ý kiến bác sĩ, lương y trước khi sử dụng.