CPI Hà Nội tháng 2/2022 tăng 1,16% CPI Hà Nội tháng cận Tết tăng thấp Hà Nội: Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 tăng 1,77% |
CPI Hà Nội tháng 4/2022 giảm nhẹ |
Theo Cục thống kê Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội trong tháng này giảm nhẹ 0,05% so với tháng trước, tăng 2,13% so với tháng 12/2021 và tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2022 tăng 2,85% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 4 có 4/11 nhóm hàng có chỉ số CPI giảm so với tháng trước, trong đó: Nhóm giao thông giảm 0,63% (tác động làm giảm CPI chung 0,06%) chủ yếu do trong tháng giá xăng 2 lần điều chỉnh giảm vào ngày 01/4/2022 và ngày 12/4/2022 (bình quân trong tháng giá xăng giảm 2,43% so với tháng trước).
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,03% (tác động làm giảm CPI chung 0,32%) do trong tháng nhóm thực phẩm giảm mạnh 1,51% (trong đó thịt lợn giảm 2,97%; thịt bò giảm 0,43%; thịt gia cầm giảm 0,53%), bên cạnh đó thời tiết nắng ấm thuận lợi cho các loại rau tăng trưởng nhanh, nguồn cung dồi dào nên giá rau giảm.
Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,34% (tác động làm giảm CPI chung 0,01%) do trong tháng 4 các công ty hoạt động lĩnh vực bưu chính, viễn thông đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá tri ân khách hàng. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm nhẹ 0,05% tác động không đáng kể vào CPI chung.
Giá xăng giảm là một trong những nguyên nhân kéo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2022 của TP. Hà Nội giảm nhẹ so với tháng trước. |
Có 7/11 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng so với tháng trước là nhóm giáo dục tăng 1,8% (tác động làm tăng CPI chung 0,14%) do trong tháng tất cả các Trường học trên địa bàn Thành phố cho học sinh đi học trực tiếp trở lại nên mức thu học phí tăng lên.
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,76% (tác động làm tăng CPI chung 0,15%) do ảnh hưởng của giá gas và dầu thế giới trong tháng tăng cao (gas tăng 2,64%; dầu hỏa tăng 7,28%), bên cạnh đó chi phí vận chuyển tăng nên giá vật liệu xây dựng cũng tăng 0,62%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,62% (tác động làm tăng CPI chung 0,03%) do các hoạt động văn hoá, giải trí, du lịch mở cửa trở lại đón khách sau một thời gian dài tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch.
Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ là đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,1%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%.
Trong 4 tháng đầu năm nay, một số nhóm hàng có chỉ số CPI bình quân tăng cao so với bình quân cùng kỳ là nhóm giao thông tăng 14,95%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,82%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,01%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,58%.
Các nhóm còn lại có chỉ số CPI tăng nhẹ như văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,77%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,73%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,56%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,38%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,42%. Có 2/11 nhóm hàng CPI bình quân 4 tháng đầu năm giảm so với bình quân cùng kỳ là Bưu chính viễn thông giảm 0,29%; giáo dục giảm 2,64%.
Chỉ số giá vàng tháng 4 tăng 0,14% so với tháng trước, tăng 6,77% so với tháng 12/2021 và tăng 8,38% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá vàng tăng 1,73% so với bình quân cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá USD tháng 4 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,2% so với tháng 12/2021 và giảm 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá USD giảm 0,92% so với bình quân cùng kỳ năm trước.