![]() |
Cỏ mần trầu |
Cỏ mần trầu hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như: ngưu cân thảo, sam tử thảo, cỏ vườn trầu, cỏ chỉ tía,… Tên khoa học là Dactyloctenium aegyptium (L.) Richt, thuộc họ Lúa (Poaceae).
Đây là loại cỏ dại sống lâu năm, mọc thành những cụm dày, thân mọc thẳng hoặc mọc bò, cao khoảng 10 - 60cm, nhẵn và có màu xanh nhạt. Lá cỏ mềm, hình dải, mọc so le nhau, dài khoảng 10 - 30cm và rộng khoảng 3 - 7mm, phiến lá dài nhọn, bẹ lá có lông.
Hoa mọc thành bông, cụm hoa là bông xẻ ngón, gồm từ 5 - 7 bông mọc ở ngọn và có đến 2 bông khác mọc thấp hơn, trông giống như những ngón tay. Quả mần trầu thuôn dài 3-4mm, có 3 cạnh, ráp, vỏ quả mềm.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố: Cỏ mần trầu là một loại cây mọc hoang nên có thể tìm thấy khắp trên đất nước ta, chủ yếu thường mọc thành bụi ở trong các bãi đất trống, vùng đồng bằng, trung du cho đến các vùng núi cao. Ngoài ra, còn có thể tìm thấy ở các nước như: Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước nhiệt đới, á nhiệt đới khác.
Bộ phận dùng: Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, tất cả các bộ phận của cỏ mần trầu đều có thể dùng để chế biến thuốc, tùy vào tình trạng bệnh và loại bệnh mà thầy thuốc sẽ chỉ định dùng lá, rễ hay thân cây để chữa trị.
Thu hái và chế biến: Cỏ mần trầu có thể thu hái vào tất cả các ngày trong năm. Tuy nhiên, để loại cỏ này đạt chất lượng cao thì nên thu hoạch vào đầu mùa thu và cuối mùa hè. Trước khi phơi khô cỏ mần trầu để bảo quản và dùng nên rửa sạch với nước nhiều lần để loại bỏ các ký sinh trùng nguy hại.
Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
Cỏ mần trầu có tính bình, vị đắng và không độc. Phần cây trên mặt đất của cỏ mần trầu thường chứa các thành phần hóa học như palmitoyl và bê ta sitosterol. Còn lá và cành tươi chứa nhiều chất chống oxy hóa – Flavonoid.
Ngoài ra theo những nghiên cứu trong Savithramma (2013) và Banglacod et al. (2012) chỉ ra, cỏ mần trầu có nhiều chất biến dưỡng như: Coumarin, Saponin, Phenol, Tannin, Steroid, Ancaloit.
Theo công dụng của Đông y, cỏ mần trầu mang lại những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe như: trị chứng táo bón, giải độc cơ thể, chữa sốt, chữa bệnh cao huyết áp,… Còn đối với y học hiện đại, dựa vào một số nghiên cứu về dược lý học cỏ mần trầu được dùng để chữa trị các bệnh ngoài da, trị mát tâm thần, lợi tiểu, an thai,… và một số công dụng tuyệt vời khác.
![]() |
Thảo dược cỏ mần trầu mang nhiều công dụng chữa bệnh |
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cỏ mần trầu
Giải độc cơ thể: Cỏ mần trầu tươi hoặc khô kết hợp với râu ngô hoặc bí đao, sắc nước để nguội, mỗi ngày uống 2 bát nước vừa thanh lọc cơ thể vừa giải nhiệt tốt.
Chữa cao huyết áp: 500g cỏ mần trầu phơi khô, giã nát, đun sôi để nguội. Vắt lấy nước cốt, lọc qua vải (có thể thêm chút đường cho ngọt). Ngày có thể uống 2 lần vào sáng và chiều.
Chữa sốt cao: Sử dụng cỏ mần trầu tươi 120g, sắc với 600ml nước, cho còn 400ml, sau đó thêm ít muối, uống làm nhiều lần trong 12 giờ
Hỗ trợ điều trị táo bón, thai phụ bị động thai: Dùng 12g cỏ mần trầu khô sắc với 500ml nước. Khi thuốc cạn còn 300ml, chia thuốc uống 2 - 3 lần trong ngày.
Hỗ trợ điều trị mát tâm thần: Sử dụng 20g cỏ mần trâu đã được bỏ hoa và rễ, sắc thuốc uống liên tục trong 1 tháng.
Chữa viêm da, vàng da: Cỏ mần trầu tươi 60g. Rễ cây tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
Hỗ trợ điều trị băng huyết: Lấy mỗi thứ 1 nắm gồm: cỏ mần trầu, cam thảo nam, muồng trâu thái nhỏ, rau má, cỏ mực, cây ké, 10 lá ngải cứu, 10 lát sả, 10 lát gừng, 1 vỏ quýt. Cho tất cả nguyên liệu vào trong ấm nước và sắc cho đến khi còn 2 chén nước. Chia ra dùng 2 lần trong ngày.
Những lưu ý khi dùng cỏ mần trầu để chữa bệnh
Nên tìm những cây cỏ mần trầu sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật,… để tránh bị nhiễm độc.
Cần dùng đúng liều lượng, không nên dùng quá nhiều hoặc lạm dụng cỏ mần trầu để chữa bệnh.
* Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, trước khi dùng cỏ mần trầu để làm thuốc, người bệnh nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để tránh xảy ra những hậu quả không mong muốn.