Tỉnh Sóc Trăng xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó đi đầu là nghề nuôi tôm xuất khẩu. |
Chủ động xuống giống cho vụ tôm mới
Tiếp nối thành công vụ tôm nuôi năm 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã triển khai lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023, bắt đầu từ ngày 15/1/2023 và sẽ kết thúc vào ngày 30/9/2023.
Theo nhận định của ngành chuyên môn, trong tháng 1, 2 và nửa đầu tháng 3/2023 và tháng 12/2023, nền nhiệt độ trung bình ở mức thấp nhưng vẫn cao hơn trung bình nhiều năm một ít. Khi trời tối, nhiệt độ giảm mạnh, sáng sớm trời sẽ có sương mù và nhiệt độ thấp ở mức từ 19 - 20,5oC. Trong giai đoạn cao điểm của mùa khô thời tiết phổ biến không mưa, ngày nắng; tuy nhiên trong hầu hết các tháng đều có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt mưa trái mùa (kéo dài từ 1 - 3 ngày) và giữa tháng 4 khả năng sẽ có mưa chuyển mùa xuất hiện. Về độ mặn, thì trong mùa khô năm 2022 - 2023, độ mặn cao nhất tại các trạm đo trên sông Hậu có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 2 và tháng 3; độ mặn có khả năng xuất hiện muộn hơn khoảng 1 tháng, nhưng đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm.
Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng sẽ đồng hành cùng người nuôi tôm trong việc thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường vùng nuôi tôm để khuyến cáo đến người dân kịp thời. |
Theo bà Quách Thị Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng chia sẻ, dựa trên kết quả đánh giá lịch mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 và thực hiện khung lịch mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2023 của Tổng cục Thủy sản cũng như nhận định về tình hình thời tiết, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng khung lịch mùa vụ thả nuôi tôm nước lợ năm 2023 để triển khai đến các địa phương, mùa vụ sẽ bắt đầu từ ngày 15/1/2023 và kết thúc vào ngày 30/9/2023. Cụ thể, đối với tôm thẻ chân trắng thì lịch thả giống tôm từ ngày 15/1 - 30/9/2023; tôm sú thả giống từ ngày 15/3 - 30/9/2023; mô hình tôm - lúa cần phải bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa.
"Đối với các vùng, cơ sở nuôi, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng đủ điều kiện nuôi, cụ thể là không chủ động được nguồn nước nên để hạn chế các bệnh trên tôm như: hoại tử gan tụy cấp, vi bào tử trùng, đốm trắng và các yếu tố môi trường bất lợi thì hạn chế không thả nuôi vào các khoảng thời gian thời tiết khắc nghiệt (dự báo tháng 3 thời tiết nắng nóng, độ mặn cao và tháng 6 - 7 thời tiết mưa dầm). Các doanh nghiệp, trang trại nuôi quy mô lớn có khả năng đáp ứng yêu cầu điều kiện nuôi thâm canh, bán thâm canh, ứng dụng công nghệ cao… có thể bố trí nuôi rải vụ quanh năm nhưng cần chủ động trữ nước, nuôi nước, có giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi" - đồng chí Quách Thị Thanh Bình khuyến cáo.
Giám sát tiến độ xuống giống và kiểm soát dịch bênh trên tôm
Để nâng cao hiệu quả vụ tôm mới, tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh sát tình hình thả nuôi tôm và dịch bệnh trên tôm trên địa bàn tỉnh. Vừ qua, Tổ tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh vụ nuôi tôm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng) đã có buổi giám sát tại địa bàn huyện Trần Đề.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Đề cho biết, diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn huyện hơn 4.150ha, đến thời điểm hiện tại huyện đã thả nuôi trên 30% diện tích. Tuy nhiên, diện tích thả nuôi tôm nước lợ năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022 ít hơn trên 300ha, nguyên nhân là do tình hình thời tiết thất thường, gió mạnh, nhiệt độ không khí xuống thấp, giá vật tư đầu vào thủy sản tăng, giá tôm thương phẩm bán ra không như mong muốn.
Chủ trương chung của huyện là khuyến cáo bà con nông dân không thả nuôi tôm ồ ạt mà thả từng bước theo hình thức thăm dò, nếu có hiệu quả tốt thì mới tiếp tục thả nuôi. Riêng đối với các công ty, doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện, thì việc thả nuôi tôm nước lợ rất tốt. Còn về thiệt hại trên tôm nuôi, đến thời điểm này, huyện thiệt hại không đáng kể.
Tổ tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh vụ nuôi tôm giám sát thực tế ao nuôi tôm của bà con nông dân tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng). |
Theo đó, tổ giám sát đã đến giám sát thực tế tình hình thả nuôi tôm nước lợ tại xã Trung Bình, huyện Trần Đề, có một số hộ thả nuôi tôm và tôm đã được từ 80 - 85 ngày tuổi. Hiện tại, tôm nuôi phát triển tốt. Tại hộ nuôi, tổ giám sát cũng đã tìm hiểu thêm về việc mua con giống tôm nuôi nước lợ; giá thức ăn; dịch bệnh thường gặp trên tôm nuôi; thời điểm hộ nuôi cho rằng thả nuôi phù hợp; thời tiết mùa vụ thả nuôi tôm…
Qua trao đổi thông tin cùng hộ nuôi tôm tại huyện Trần Đề, bà Quách Thị Thanh Bình cho rằng, để có vụ nuôi tôm thành công, bà con nông dân phải quan tâm, chú ý từ khâu chọn giống, thả giống đến chăm sóc. Mặc dù tình hình dịch bệnh trên tôm những tháng đầu năm chưa diễn biến lớn, nhưng do nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm khá lớn, dễ phát sinh các dịch bệnh như: đốm trắng, vi bào tử trùng và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Do đó, khi thả nuôi tôm, bà con nên thả mật độ vừa phải, thả thăm dò, con giống trước khi thả cần phải xét nghiệm dịch bệnh, thường xuyên theo dõi thông tin về quan trắc môi trường vùng nuôi của ngành chuyên môn, để chăm sóc ao nuôi tôm tốt hơn./.