Những ngày này, nhiều vườn ươm giống cà phê ở Tây nguyên tấp nập kẻ mua người bán. |
Giá cây giống cà phê tăng gấp 3 lần vì khan hiếm
Đặc biệt, giá cà phê nhân xô khu vực này đang tăng cao, suýt soát 65.000 đồng/kg, cũng là một trong những nguyên nhân chính để nông dân quay trở lại với cây cà phê sau một thời gian đổ xô trồng hồ tiêu nhưng thất bại.
Hiện giá cây giống cà phê tăng gấp đôi (tính trong khoảng 5 năm trở lại đây) nhưng nhiều vườn giống không còn cây con để bán. Theo các chủ vườn ươm, cà phê giống những năm trước có giá dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/cây, nay đã lên đến 8.000 - 8.500 đồng/cây.
Chị Hoàng Nghĩa An (chủ vườn cây giống An Vân, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, mùa mưa năm nay, nông dân trồng cà phê rất nhiều. Nhiều hộ mua từ 500-600 cây giống với giá dao động từ 3.000-6.000 đồng/cây, tùy cây to, nhỏ. Riêng cơ sở của chị đã bán hàng vạn cây giống cà phê, có thời điểm cháy hàng.
Cây giống cà phê TR4 được người dân lựa chọn trồng nhưng hiện rất khan hiếm. |
Theo ông Lê Phú Dũng, cán bộ phụ trách Trạm thực nghiệm giống cây lâm nghiệp thuộc Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng tỉnh Gia Lai, năm nay thị trường cà phê giống có nhiều chuyển biến bất thường. Người dân đổ xô mua cây giống cà phê về trồng nên đơn vị cũng như các vườn ươm khác bị động do không đủ nguồn cung cấp cho nông dân. Hơn 50.000 cây cà phê giống của trung tâm đã bán hết từ nhiều ngày trước.
Diện tích cà phê ở Tây nguyên dao động trên dưới 500.000 ha, tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng. Những năm trở lại đây, nông dân phá những vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp để cải tạo đất, chuyển sang trồng chanh dây. Giá chanh dây sau thời gian tăng cao có dấu hiệu chững lại, giảm so với thời gian trước cộng với giá cà phê quay đầu, tăng trở lại khiến nông dân quay lại với cây cà phê, dẫn đến sốt giống cà phê.
TS.Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên, xác nhận: Giá cây giống cà phê đã tăng từ 2 đến 3 lần và thực tế cũng không còn nhiều cây giống. Khoảng 1 triệu cây giống cà phê của viện trong năm nay đều đã có đơn đặt hàng.
Cẩn trọng khi ồ ạt trồng mới và tái canh cà phê
Từ đầu mùa mưa đến nay, nông dân Tây Nguyên tất bật cải tạo đất để trồng cà phê. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng bởi diện tích cà phê già cỗi rất lớn, có thời điểm bà con không mặn mà với việc tái canh.
Anh Bùi Văn Bằng (thôn 14, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) cho biết, gia đình vừa trồng gần 1 ha cà phê. Trước đó diện tích này gia đình anh trồng hồ tiêu, tuy nhiên, loại cây này “khó tính”, không hợp đất nên chết dần. Do đó, anh quyết định quay lại với cây cà phê.
Cơ quan chức năng khuyến cao người dân lựa chọn những cơ sở kinh doanh đủ điều kiện để mua cây giống, tránh mua phải hành kém chất lượng. |
Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Hoài (xã Ea Ning) vừa tái canh 1 héc-ta cà phê. Theo bà Hoài, những năm gần đây, giá cà phê tăng dần. Đặc biệt, từ tháng 5 đến nay, giá cà phê tăng vọt, có thời điểm đạt 64.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 15 năm qua. Ngoài ra, lý do bà Hoài quay lại trồng cà phê bởi loại cây này phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng địa phương, kỹ thuật canh tác không quá khó so với hồ tiêu, sầu riêng, bơ…
Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cả nước có hơn 710.000 héc-ta cà phê. Riêng Tây Nguyên khoảng 650.000 héc-ta, vẫn vượt so với quy hoạch của cả nước.
Theo TS. Hà, cây cà phê phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của Tây Nguyên; nông dân đã làm chủ kỹ thuật nên có tính bền vững. Chưa kể, thị trường tiêu thụ cà phê phủ khắp thế giới, giá cà phê đang ở mức cao. Điều đáng mừng là sau khi trải qua nhiều bài học từ việc đổ xô trồng hồ tiêu, bơ…, nông dân nhận ra giá trị bền vững của cà phê và bắt tay tái canh mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo TS. Hà, trong lộ trình sắp tới vẫn phải cắt giảm những diện tích cà phê không phù hợp, tập trung chăm sóc cà phê theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất cà phê đặc sản, chế biến sâu…
Nhiều diện tích cà phê ở huyện Krông Búk (Đắk Lắk) tái canh kém hiệu quả do không tuân thủ quy trình tái canh theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. |
TS. Hà lưu ý hai vấn đề chính: Liên minh châu Âu (EU) vừa có quy định mới, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Do đó người dân cần chú ý khi trồng mới diện tích cà phê. Ngoài ra, nông dân phải lưu ý là biến đổi khí hậu. Bởi theo dự báo, từ năm sau hiện tượng El Nino sẽ tác động rõ nét, gây nên tình trạng khô hạn, nắng nóng khắc nghiệt. Vậy nên, ngay từ bây giờ nông dân phải chủ động kỹ thuật canh tác, nguồn nước…
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương đẩy mạnh công tác khuyến nông, hướng dẫn người dân tái canh cà phê thay thế trên những diện tích già cỗi, năng suất thấp bằng giống mới năng suất chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Đó là các giống TRS1, TR4, TR9 đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống năng suất, chất lượng cao, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu để trồng tái canh năm 2023.
"Cà phê là cây dài ngày. Sau 3 năm mới thu hoạch nên chỉ tái canh trên những diện tích già cỗi, năng suất thấp. Nông dân không nên thấy giá cà phê nhân tăng cao mà mở rộng diện tích ồ ạt, có kế hoạch dài hơi để mang lại hiệu quả kinh tế", ông Có khuyến cáo./.