Người trồng cà phê ở Đắk Lắk tranh thủ thời tiết thuận lợi để xuống giống nhưng giá tăng cao. |
Chưa khi nào cháy hàng cà phê giống như năm nay
Tại khu vực xung quanh Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) có hàng chục cơ sở kinh doanh cây giống. Qua khảo sát, các cửa hàng đều đã chuẩn bị lượng lớn cây giống để phục vụ khách hàng, thế nhưng số lượng cây giống cà phê thì không còn nhiều.
Khi được hỏi mua giống cà phê để trồng trên diện tích 3 ha tại một cửa hàng trong khu vực này, chủ cửa hàng chỉ vào chỗ trưng bày cây cà phê giống và cho biết: “Còn chừng này thôi, các anh mua số lượng lớn thì không có”.
Đến các cửa hàng khác thì hầu hết cũng không còn nhiều cây giống cà phê hoặc phần lớn đã được đặt hàng, số ít cây giống còn lại thì cây nhỏ, lá bị xoăn. Các chủ cơ sở kinh doanh ở đây cho biết, những năm gần đây, chưa có khi nào "cháy" hàng cây cà phê giống như năm nay.
Cũng vì hiếm hàng nên giá cây cà phê giống cũng tăng lên nhiều. Cụ thể, giá cà phê thực sinh ở đây chủ yếu được bán giá 4.000 – 6.000 đồng/cây, cà phê ghép có giá từ 14.000 – 16.000 đồng/cây. Một số cửa hàng bán giá "mềm" hơn khoảng 500 đồng/cây so với mặt bằng chung. Giá cà phê giống hiện tại ở đây cao hơn khoảng 1.500 – 2.000 đồng/cây so với thời điểm mới bắt đầu mùa mưa.
Nhiều người dân bất ngờ khi giá cây cà phê giống khan hiếm và đắt chưa từng có. |
Theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, ba năm trở lại đây, mỗi năm Viện cung ứng 5 - 6 tấn hạt, 1,5 triệu cây giống cà phê phục vụ trồng cho 5.000 ha. Năm nay, cà phê giống vẫn giữ nguyên giá cung ứng ở mức 3.500 – 4.000 đồng/cây thực sinh và 8.000 đồng/cây ghép.
Giá cây cà phê giống ở đây luôn cao hơn một ít so với các cơ sở cây giống tư nhân bên ngoài vì chi phí quản lý, nghiên cứu, nhưng nguồn gốc cây giống rõ ràng, có vườn đầu dòng, chất lượng được bảo đảm. Theo lãnh đạo Viện, người dân không nên tùy tiện mở rộng diện tích mà chỉ nên trồng tái canh ở những diện tích nằm trong quy hoạch, trồng thay thế những vườn cà phê xấu, già, năng suất thấp.
Tình trạng khan hàng, tăng giá cà phê giống khiến nông dân gặp khó do chi phí sản xuất tăng cao. Ông Trần Đức Ninh (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) cho biết, năm nay, gia đình ông trồng dặm lại 5 sào cà phê bị chết cục bộ.
Cần khoảng 300 cây cà phê giống, nhưng ông phải đi mấy cửa hàng mới chọn được cây giống vừa ý và phải chấp nhận mua giá cao (5.000 đồng/cây). Theo ông, những hộ trồng mới, hoặc tái canh diện tích lớn thì chi phí sẽ tăng rất lớn do cây giống và các vật tư khác đều có giá cao, trong khi chưa biết giá cà phê những năm tới thế nào, nên có thể có những rủi ro.
Cẩn trọng khi ồ ạt mở rộng diện tích cà phê
Với mức gần 66.800 đồng/kg (vào ngày 16/6/2023), giá cà phê đã lập kỷ lục cao nhất trong vòng 15 năm qua. Mặc dù thời điểm này không còn nhiều nông dân hưởng lợi từ giá cao nhưng đây cũng là tín hiệu đáng mừng để kéo nông dân gắn bó trở lại với vườn cây sau nhiều năm cầm cự vì giá thấp.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, Đắk Lắk hiện có 202.000 ha cà phê. Diện tích này chủ yếu đang thời kỳ kinh doanh và đang ổn định trong những năm gần đây. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá cà phê giống thời điểm này là do giá cà phê tăng cao nên người dân tập trung trồng tái canh ở những diện tích già cỗi và những diện tích đất trước đây đã phá cà phê để trồng các loại cây khác, thậm chí có một số hộ đầu tư trồng mới.
Bà Lương Thị Oanh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H’leo) cho biết, khi giá tăng lên 40.000 đồng/kg, các thành viên đã lần lượt bán ra đến 70% sản lượng (245 tấn), bởi cà phê giữ ở mức giá này khá lâu nên bà con tưởng không tăng nữa nên đã vội bán đi; còn một số ít bán được ở mức 50.000 đồng/kg và khi cà phê giá chạm mức 60.000 đồng/kg thì chỉ còn 5 – 6 tấn được hưởng lợi từ giá này. HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy có 110 ha cà phê, sản lượng đạt 350 tấn, hiện không còn cà phê nhân để bán, các thành viên HTX đều rất tiếc vì không ai ngờ được giá cà phê tăng cao ở mức này.
Thu hoạch cà phê ở Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp Ea Wy (huyện Ea H'leo). |
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 39 tổ hợp tác và 53 HTX nông nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cà phê. Các HTX sản xuất cà phê hoạt động mang lại hiệu quả khá cao đã liên kết các hộ nông dân trồng cà phê và tổ chức lại sản xuất theo hướng bền vững, có chứng nhận, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp... góp phần tạo ra sản phẩm cà phê có chất lượng và giá trị kinh tế cao trên thị trường.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít vườn cây của các nông hộ bị bỏ bê do giá sản phẩm xuống thấp trong thời gian quá dài, trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến nông dân đầu tư chăm sóc kém, tái canh hạn chế… Việc giá cà phê tăng cao đã khuyến khích một số nông dân bắt đầu trồng lại vườn cà phê ở những diện tích già cỗi và bắt đầu chú trọng đầu tư, chăm sóc tốt vườn cây…
Trong khi đó, nguồn cung cây giống không tăng. Tình trạng "cháy" hàng cũng dẫn đến những rủi ro do cây giống không đảm bảo chất lượng, không được khảo nghiệm công nhận.
Cây cà phê giống lai TRS1 tại vườn ươm cây giống – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk. |
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng: Việc cà phê tăng giá cũng đã giúp người nông dân được hưởng lợi và người dân yên tâm chăm sóc vườn cây tốt hơn. Cà phê tăng giá sẽ làm cho người nông dân suy nghĩ đến việc không phá vườn cà phê để trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao mà chỉ trồng xen theo hướng cà phê cảnh quan nhằm giúp vườn cây phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu của những nước nhập khẩu. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông để người dân không tăng diện tích mà chú trọng vào việc chăm sóc tốt vườn cây.
Còn theo TS. Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên nhận định: Diện tích đất để trồng mới cà phê còn rất ít, nếu người dân mở rộng thêm diện tích thì rất dễ xâm hại đến đất rừng. Theo quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), sản phẩm như cà phê nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này./.