Hành, tỏi mọc mầm nên ăn hay bỏ đi? Thứ nông sản Việt cả thế giới đang 'khát', Trung Quốc săn lùng ráo riết xuất khẩu tăng vọt 20.000% Măng khô, hành tỏi "rủ nhau" tăng giá |
Nông dân Kinh Môn thi thu hoạch hành tỏi. Ảnh: Băng Tâm |
Ngày 20/1, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác đã về dự Lễ hội thu hoạch hành tỏi, lần đầu tiên được tổ chức tại xã Hiệp Hòa, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
"Thủ phủ" hành, tỏi của cả nước
Phát biểu chào mừng lễ hội, đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Hải Dương nhấn mạnh, trong những năm gần đây, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: vùng hành, tỏi Kinh Môn, Nam Sách; vùng cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; vùng rau su hào, bắp cải, súp lơ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành,…Các vùng sản xuất tập trung đã cung cấp một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có các vùng cây ăn quả đặc sản phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh, vùng ổi Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn; vùng na Chí Linh; vùng chuối Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn...
Đối với riêng sản phẩm cây hành, tỏi, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương cho biết, toàn tỉnh Hải Dương hiện có hơn 6.500 ha hành, tỏi. Trong đó, thị xã Kinh Môn dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng với gần 4.000 ha. Vùng hành, tỏi Kinh Môn được ví như "thủ phủ" hành, tỏi của cả nước, được sản xuất tập trung quy mô lớn, hình thành những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên vùng đất phù sa ven sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn. Tất cả 23/23 xã phường của thị xã đều sản xuất được cây hành, tỏi. Sản lượng hàng năm đạt trên 100.000 tấn, giá trị kinh tế đạt trên 1.700 tỷ đồng/năm.
Sản xuất hành tỏi ở thị xã Kinh Môn đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, gieo trồng, chế biến, vận chuyển, thực hiện hậu cần xuất khẩu... và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Các sản phẩm hành, tỏi đạt các tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính nhất. Cây hành, tỏi đã thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như sơ chế sản phẩm thô, chế biến chuyên sâu thành thực phẩm….đặc biệt là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, OCOP nâng cao giá trị.
Nói về lễ hội thu hoạch hành, tỏi thị xã Kinh Môn, Bí thư Trần Đức Thắng tin tưởng, với chủ đề "Hành, tỏi Kinh Môn-Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam", Lễ hội thu hoạch hành tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn nhằm cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế của địa phương và khu vực; giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu hành, tỏi tỉnh Hải Dương nói chung và Kinh Môn nói riêng; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành sản xuât nông nghiệp.
Riêng đối với người dân thị xã Kinh Môn, Lễ hội thu hoạch hành tỏi là sự kiện được mọi người chờ đón, với kỳ vọng "nâng tầm giá trị" góp phần vào niềm tự hào về hình ảnh của con người, quê hương Kinh Môn, Hải Dương.
"Thời điểm này, giữa không gian xanh bạt ngàn cánh đồng hành, tỏi, tôi xin được gửi lời tri ân đến những người nông dân cần mẫn, những doanh nghiệp sáng tạo, đã đưa hành, tỏi nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế "thủ phủ hành tỏi" miền Bắc, giới thiệu, quảng bá hình ảnh ấn tượng, đặc trưng, tiềm năng và thế mạnh về sản phẩm từ cây hành, tỏi - đặc sản địa phương tới người tiêu dùng trong cả nước", Bí thư Trần Đức Thắng xúc động chia sẻ.
Nâng tầm giá trị nông sản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại lễ hội. |
Phát biểu tại lễ hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng nông nghiệp chính là vun trồng đất, nông nghiệp chính là vun trồng con người và nông nghiệp chính là vun trồng tương lai. Người ta triết lý, tư duy như vậy để yêu mảnh đất của mình, làm giàu cho mảnh đất của mình nhiều hơn. Nghĩa là chúng ta làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.
Đồng thời Bộ trưởng đánh giá cao người Kinh Môn đã không phụ đất thành ra đất cũng không phụ người Kinh Môn, đã cho lại những mùa hành, tỏi, khoai, sắn. Bộ trưởng cảm ơn người dân Kinh Môn đã truyền cảm hứng cho Bộ trưởng thấy rằng ở đâu đó trên mảnh đất này, cũng không phải theo dòng cảm xúc người ta bỏ đất mà chính người Kinh Môn đã khơi dậy tất cả tiềm năng trên mảnh đất của mình.
Bộ trưởng cho rằng giá trị kinh tế của nông nghiệp, không gian phát triển kinh tế nông nghiệp còn rộng. Không gian đó càng trải rộng ra càng nhiều việc làm cho bà con ở quê, tạo ra giá trị kinh tế, tạo hình ảnh, tạo thương hiệu một miền quê bên dòng sông Kinh Thày.
Bộ trưởng chia sẻ: "Những miền quê ở Hải Dương mà tôi được đi, đúng là những miền quê đáng sống, đáng đến và đáng để quay về".
Bộ trưởng đề nghị, sau này Kinh Môn bổ sung thêm ngoài nâng cao thu nhập cần tạo không gian sống, các hoạt động gắn kết văn hoá làng xã, tạo không gian làng xã đáng sống.
"Tôi nhắn gửi đến các bạn khởi nghiệp ở Kinh Môn và các doanh nghiệp ở đây rằng, chúng ta còn không gian để nâng tầm giá trị của nông sản, mà ở đây là hành tỏi; đưa các sản phẩm hành tỏi vào cuộc sống, vào bếp ăn, bữa ăn ngay chính người dân trong tỉnh để tạo thói quen, tạo hình ảnh, từ đó tạo thương hiệu, cảm xúc cho người dân. Tạo giá trị, niềm tự hào cho người dân quê hương là rất quan trọng. Niềm tự hào là cái có thể bán được và bán giá cao hơn củ hành, tỏi"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Cục Chất lượng, Chế biến và phát triển thị trường, Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ trưởng giao nhiệm vụ làm sao trên cánh đồng ở Kinh Môn có nhà xưởng, kho bảo quản hành tỏi để sau thu hoạch bà con có chỗ gom về đó bảo quản dài ngày hơn, rồi sơ chế trước khi đưa ra doanh nghiệp lớn chế biến. Cục Trồng trọt xây dựng, chuẩn hoá quy trình sản xuất hành, tỏi. Đối với Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam làm sao nâng giá trị sản phẩm hành tỏi, để chúng ta không chỉ bán hành, tỏi mà chúng ta bán dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng cũng mong muốn, mỗi người dân Kinh Môn cần nâng tầm niềm tự hào hơn nữa, để mỗi bà con hiểu được giá trị dinh dưỡng do nông sản mình tạo ra. Mỗi nông dân, mỗi người dân Kinh Môn tự hào về điều đó, cùng lan toả niềm tự hào đó. Từ niềm tin yêu trên mảnh đất của mình, con người quê mình biến sản phẩm nông nghiệp được kết tinh từ mồ hôi, công sức, tình cảm của người nông dân trở thành di sản, trở thành báu vật. Từ đó, chúng ta nâng cao giá trị bằng việc phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Tuy có thể du lịch chưa đem lại nguồn thu đáng kể nhưng từ đó nó kích hoạt đời sống tinh thần cho bà con, tạo ra sức sống cho người dân ở nông thôn. Đó là đích đến của nông thôn mới.
Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024 các tỉnh phía Bắc |
Hải Dương lên kế hoạch gieo trồng 63.600 ha lúa và rau màu vụ đông xuân |
Năm 2023, thành phố Hải Dương có 14 sản phẩm OCOP |