Loại củ mọc mầm được ví như "thần dược", chớ vội bỏ đi Nông dân Nghệ An ổn định cuộc sống nhờ hành tăm Tỏi mất giá, người Lý Sơn trồng hành tím trái vụ |
![]() |
Hành, tỏi mọc mầm không gây độc tố |
Cùng với hương vị thơm, hành và tỏi cũng có một số lợi ích sức khỏe. Hành tây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, vitamin B6, kali và folate, trong khi tỏi rất giàu vitamin C, vitamin B6, thiamin, kali, canxi, phốt pho, đồng và mangan.
Vì hành và tỏi là những nguyên liệu quan trọng trong nhà bếp, nên chúng ta có xu hướng tích trữ nhiều. Điều này dẫn đến việc một số hành và tỏi bị mọc mầm xanh khi để lâu trong tủ đựng thức ăn.
Phải xử lý thế nào đối với số hành và tỏi bị mọc mầm xanh, có thể ăn được không?
Tại sao hành tỏi mọc mầm?
Nguyên nhân chính khiến hành tỏi mọc mầm là do độ ẩm. Trên thực tế, hành và tỏi là để phát triển thành cây mới, vì vậy việc nảy mầm là điều đương nhiên đối với chúng. Chúng không phát triển cho đến khi có điều kiện thích hợp để nảy mầm, và khi đã có, sự phát triển của chúng mới bắt đầu.
![]() |
Hành, tỏi mọc mầm không còn đảm bảo sự thơm ngon |
Hành tỏi mọc mầm có an toàn để ăn không?
Câu trả lời là có! Hành và tỏi có thể hơi nhão sau khi chúng mọc mầm, nhưng chúng không độc và sẽ không gây hại cho bạn. Đặc biệt nếu rễ và chồi còn nhỏ, chúng vẫn hoàn toàn tốt, theo Times of India.
Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho biết một số loại thực vật khi mọc mầm sẽ sinh ra chất độc nguy hiểm, chẳng hạn như khoai tây, củ lạc...
Nguyên nhân là khi mọc mầm, thực vật lúc đó rất yếu, chúng dễ bị các loại vi sinh vật, công trùng có hại tấn công từ bên ngoài, do đó một số thực vật sẽ sản sinh ra các chất độc hại để bảo vệ cây non. Đây là đặc tính của nhiều loại thực vật, thậm chí là động vật nhằm tự bảo vệ mình.
Tuy nhiên, với tỏi, hành hay gừng thì lại khác. "Bản thân củ tỏi, hành, gừng có chất tự kháng sinh phytoncide sát khuẩn rất tốt. Do đó, chúng không cần tiết thêm chất độc để tự bảo vệ" - PGS.TS Thịnh chia sẻ.
Cũng theo vị chuyên gia này, tỏi hay gừng, hành đều là các loại củ rất dễ mọc mầm, ngay cả khi chưa cần gieo xuống đất. Ông cũng khẳng định tỏi, hành hay gừng khi mọc mầm vẫn có thể sử dụng được và không mang lại nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Tuy nhiên các loại gia vị trên khi mọc mầm sẽ không còn đảm bảo sự thơm ngon và dinh dưỡng nữa bởi củ đã bị óp lại, các chất dinh dưỡng lúc này tập trung chuyển vào mầm, từ đó nuôi cây phát triển.
"Nếu mầm chỉ mới nhú, các loại củ này vẫn tốt. Nhưng khi mầm đã mọc cao thành cây, chúng ta sẽ không còn giữ được tính chất thơm ngon cũng như các chất dinh dưỡng của mình" - PGS.TS Thịnh chia sẻ thêm.
![]() |
Bảo quản hành, tỏi nơi thoáng mát để hạn chế mọc mầm |
Mẹo bảo quản hành tỏi không bị mọc mầm
Bảo quản hành tỏi ở nơi khô ráo, thoáng mát, tối, có không khí lưu thông tốt để ngăn chúng phát triển. Bạn cũng có thể bẻ củ tỏi thành từng tép và cất ở nơi mát, tối, thoáng gió. Hãy nhớ rằng nếu chúng đã mọc mầm, chúng sẽ thối rữa nhanh hơn nhiều.
Nên giữ hành tỏi tách biệt với các loại trái cây và rau khác, vì quá trình chín của chúng tạo ra khí ethylene khuyến khích hành tỏi mọc mầm, theo Times of India.
![]() |
![]() |
![]() |