Nghi Kiều là xã miền núi nằm ở cuối miền tây huyện Nghi Lộc, xã có diện tích rộng, theo đó diện tích vườn nhà của rất nhiều hộ gia đình nông dân cũng khá rộng. Tận dụng nguồn lợi đó, những năm gần đấy, nhiều hộ trên địa bàn xã Nghi Kiều (Nghi Lộc) đã cải tạo vườn tạp để đưa cây hành tăm vào trồng trong vườn nhà, nhờ vậy loại cây này đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Hành tăm được trồng từ tháng 7 âm lịch cho đến tháng giêng, tháng hai năm sau là có thể bới (thu hoạch được). Quá trình trồng hành tăm không khó, phải làm đất nhỏ, luống cao, sau đó rải phân chuồng và NPK, trỉa đều củ, tiếp tục phủ trấu rồi tấp rơm lên, và cuối cùng là rải lá thông. Sau khi hành nảy mầm thì bắt đầu tưới đạm và phân 3 màu. Chuỗi ngày sau đó, chỉ làm cỏ và chờ thu hoạch.
Trồng hành tăm tại Nghệ An
Sau khi thu hoạch, phần lớn hành tăm được thương lái thu mua ngay tại ruộng, tiền tươi thóc thật. Mỗi 1kg hành tăm bán được 60.000đ. Nông dân ở đây chia sẻ, nếu 1 sào (500m2) hành tăm được chăm sóc cẩn thận, kĩ càng, đúng quy trình thì có thể cho thu nhập đến 20 triệu đồng/vụ. Đại đa phần người dân xã Nghi Kiều đều cho rằng trồng hành tăm khỏe gấp 10 lần trồng lúa. Và trong năm nay, do nhận thấy được việc trồng hành tăm cho năng suất cao nên các hộ gia đình đang cải tạo vườn tạp nhà mình để trồng hành tăm.
Trồng hành tăm không đơn giản bởi quá trình trồng hành tăm cho đến thu hoạch, người nông dân phải có lá thông khô. Sở dĩ bà con vùng thâm canh cây hành tăm sử dụng lá thông khô để phủ luống vì lá thông là vật liệu sạch, có độ xốp cao, cung cấp một lượng dinh dưỡng cho đất, rất phù hợp với các loại cây trồng có nhiều củ, đặc biệt là hành tăm.
Trước khi vào vụ trồng hành tăm, hàng trăm người trong xã kéo nhau vào rừng thông vơ lá khô. Vì thời tiết nắng nóng, nên nông dân ở đây phải dậy từ 3h sáng, kéo nhau lên rừng vơ lá thông khô về. Những người đi sau phải chấp nhận đi xa 2 - 3 km mới có lá thông. Nhiều gia đình không vào rừng được thì phải bỏ tiền ra mua lá thông, 1 xe ô tô khoảng 4 - 5m3 có giá 1 triệu đồng.
Trồng hành tăm đang được coi là mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, do đặc thù hành tăm là cây có thể trồng trên chân đất cao, dễ thoát nước và không chủ động thoát nước, tận dụng được diện tích đất không hiệu quả trong sản xuất lương thực ở địa phương. Trong khi đó đây là cây trồng có chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, rất có lợi cho người nông dân.
Linh Anh