Cần dạy trẻ kỹ năng trước khi đi lễ hội, du lịch
![]() |
Khi đi lễ hội trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp sự cố nhất. Do đó, việc chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng phòng bị là rất cần thiết trước khi có ý định đi lễ hội. |
Trong những dịp nghỉ lễ, các gia đình thường có nhiều hoạt động vui chơi, đi lễ hội, đây là việc làm ý nghĩa giúp cân bằng cuộc sống sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Tuy nhiên, khi đi lễ hội trẻ nhỏ là đối tượng dễ gặp sự cố nhất, trong đó có những sự cố mà chính bố mẹ cũng không bao giờ ngờ tới như lạc mất con, tai nạn thương tích nhẹ thì chỉ tổn thương phần mền, nặng có thể gãy xương, chấn thương sọ não…
Do đó, việc chuẩn bị các kiến thức, kỹ năng phòng bị là rất cần thiết trước khi có ý định đi lễ hội. Theo TS.BS Lê Ngọc Duy – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, khi đi lễ hội hay đến các điểm vui chơi, nếu trẻ không được giám sát chặt chẽ rất dễ gặp phải những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng. Đặc biệt, với trẻ sống ở các đô thị lớn thường dễ bị tai nạn hơn, vì khi đi đến điểm du lịch, lễ hội hay về quê trẻ tò mò với môi trường mới, rất dễ bị tai nạn.
Bác sĩ Lê Ngọc Duy tư vấn một số điểm phụ huynh cần dạy trẻ kỹ năng trước khi đi lễ hội, du lịch như: Trước khi đi du lịch, lễ hội cha mẹ nên dạy trẻ tuyệt đối không đi theo người lạ; Với trẻ 3-4 tuổi trở lên, cần dạy bé ghi nhớ tên tuổi của bố mẹ, địa chỉ, điện thoại liên lạc; Với trẻ từ 6 tuổi trở lên bố mẹ nên đưa ra các tình huống khi bị lạc và hướng dẫn trẻ cách xử lý tình huống.
Tùy vào đặc điểm thời tiết tại điểm du lịch để bố mẹ quyết định sẽ mang theo loại quần áo phù hợp cho trẻ. Bên cạnh đó cần tăng cường cho trẻ uống đủ nước, ăn trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chuẩn bị sẵn một số loại thuốc dự phòng như: Thuốc cảm cúm, hạ sốt, thuốc ho, thuốc chống dị ứng, men tiêu hóa, các loại kem chống muỗi, kem chống nắng, dầu gió…
Khi đến điểm vui chơi, trẻ thường rất tò mò và ưa khám phá ở những vùng đất mới lạ, đi lại nhiều nơi dẫn đến bị lạc. Hoặc nếu các gia đình đi chơi ở những nơi đông người, chỉ một chút lơ là của bố mẹ cũng có thể khiến con bị lạc nên cần để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi. Do đó, trước khi đi chơi cha mẹ nên dặn dò con cẩn thận, không được đi theo người lạ nếu chưa có sự đồng ý và phải luôn bám sát cha mẹ.
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên dạy con những kỹ năng cần thiết nếu đi lạc. Hướng dẫn con học thuộc số điện thoại của cha, mẹ để tiện có thể liên lạc khi cần thiết. Nếu có thể, bạn nên đeo cho con 1 chiếc vòng cổ có ghi ngắn gọn thông tin hữu ích, hoặc nhét vào túi áo, quần của con một mảnh giấy chứa thông tin, đề phòng khi con bị lạc. Về phía cha mẹ, trong trường hợp không may con bị lạc, cha mẹ cần cố gắng bình tĩnh để đưa ra quyết định sáng suốt. Trước hết, hãy đứng nguyên tại chỗ và kêu tên con thật to. Nếu không hiệu quả, có thể nhờ đến loa phát thanh quanh khu vực hoặc nhờ tới sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và công an.
Cách xử lý khi trẻ bị tai nạn thương tích
![]() |
Phụ huynh cần chuẩn bị kiến thức cơ bản để sơ cứu khi trẻ gặp tai nạn. |
Tại các khu vui chơi hay khi đi lễ hội, du lịch tai nạn thương tích rất dễ gặp phải với trẻ nhỏ. Đó có thể là té ngã khi trèo cây, hay trượt chân gây tương tích hoặc cũng có thể là tai nạn khi tham gia vui chơi. Bác sĩ Duy tư vấn, khi trẻ bị tai nạn thương tích, cần xử lý như sau: Với tổn thương phần mềm như vết thương sưng, bầm tím phụ huynh cần đắp khăn lạnh hoặc bọc đá. Vết thương hở hoặc chảy máu, phụ huynh cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý và hoặc nước sát trùng nếu có và băng ép lại. Nếu trẻo bị bong gân, phụ huynh cần đắp khăn lạnh hoặc chườm đá. Băng cố định, hạn chế vận động.
Với gãy xương và chấn thương sọ não, phụ huynh nên gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế. Sau đó, kiểm tra mức độ tỉnh táo của trẻ bằng cách gọi hỏi trẻ, chống choáng (nếu có). Bất động xương gãy bằng các nẹp sẵn có. Trong khi di chuyển trẻ hoặc chờ đợi bác sĩ đến khám cần lưu ý: Tránh không di động trẻ. Đặt trẻ nằm thẳng, đầu hơi thấp hơn chân, nghiêng mặt trẻ về một bên để khi trẻ có nôn chớ, hoặc chảy máu thì chất lỏng không chảy vào miệng, tránh cho trẻ bị sặc. Không được cho trẻ ăn, uống bắt cứ thứ gì.
Theo bác sĩ Duy, bên cạnh những tai nạn thương tích rất dễ gặp phải trong những ngày lễ, thì thói quen ăn uống, nếp sinh hoạt thường ngày của trẻ thường cũng sẽ bị xáo trộn đột ngột, dễ dẫn đến các bệnh về đường tiêu hóa. Đặc biệt, khi đến các điểm vui chơi, đồ ăn bày bán không đảm bảo sẽ tăng nguy cơ ngộ độc, vì thế phụ huynh cần cẩn thận lựa chọn thực phẩm cho con, tốt hơn hết là hãy tự chuẩn bị đồ ăn.
Ngoài ra, trẻ em là đối tượng sức đề kháng kém nên trẻ cũng có nguy cơ lây nhiễm các bệnh do virus khi tập trung đông người như: Cảm cúm, COVID-19, Sởi…. Do đó, cha mẹ cần hết sức cảnh giác và không lơ là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm. Tốt nhất nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng, đông người; nếu có dấu hiệu cảm cúm, sốt, mệt mỏi không nên cho trẻ đến những nơi đông người, điểm vui chơi, lễ hội.