![]() |
Ngô là cây lương thực có diện tích lớn đứng thứ 2 sau cây lúa. |
Ngày 5/10, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đồng tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
TS Đinh Công Chính, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) dẫn thống kê từ năm 2015-2023, diện tích ngô giảm từ gần 1,2 triệu ha xuống 884.000 ha, năng suất năm 2015 đạt 44,8 tạ/ha nhưng đến năm 2023 chỉ tăng lên 50,2 tạ/ha.
Như vậy, trong 10 năm qua, khi đưa ngô chuyển gen vào sản xuất, năng suất ngô của Việt Nam chỉ tăng được lên 540 kg/ha (trung bình tăng 54 kg/ha/năm). Trong khi đó, tỉ lệ nhập khẩu tăng từ 58,8% lên 68,6%.
“Nhìn lại mỗi năm, năng suất ngô trung bình chỉ cải thiện nửa tạ/ha là rất thấp! Đây là những con số cần phải thảo luận để có cách làm tối ưu hơn. Ngô chuyển đổi gen rất tốt nhưng làm thế nào để ứng dụng cải thiện năng suất lại là một câu chuyện” - đại diện Cục Trồng trọt đánh giá.
Tính đến hết ngày 30/9/2024, Bộ NN&PTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận tổng số 31 giống ngô biến đổi gen (GMO), bao gồm: 30 giống ngô GMO tạo ra từ giống nền được công nhận theo Thông tư 29 Quy định về các biện pháp lâm sinh và 1 giống ngô GMO được công nhận theo theo Luật Trồng trọt và Nghị định 94 hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.
Theo TS Cao Đức Phát, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế - IRRI, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỉ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích.
Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức” - ông Phát nói.
TS Đinh Công Chính dẫn đánh giá sơ bộ của các địa phương, các giống sinh trưởng phát triển khỏe và phù hợp với cơ cấu mùa vụ tại các vùng trồng ngô nước ta do giống ngô GMO tương đồng so với giống nền ở các tính trạng hình thái đặc trưng.
![]() |
Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Ảnh: BTC |
Đối với vụ, vùng trồng ngô chịu áp lực cao về sâu hại bộ cánh vảy, sử dụng giống ngô GMO thể hiện khả năng kháng sâu với các nhóm sâu bệnh mà giống được chuyển gen kháng.
Ngược lại, đối với vụ, vùng trồng ngô không chịu áp lực cao về sâu đục thân, sử dụng giống ngô GMO không thể hiện rõ khả năng kháng sâu hại bộ cánh vảy. Hiệu quả kinh tế mang lại không rõ ràng với giống truyền thống, giống nền do chi phí giống ngô GMO cao hơn giống nền, giống địa phương.
Về năng suất, chất lượng cho thấy giống ngô GMO cho năng suất trung bình cao hơn so với giống truyền thống ở những vụ, vùng chịu áp lực cao về sâu hại; chất lượng hạt thương phẩm cũng tốt hơn so với giống truyền thống do hạt không bị hại bởi sâu đục thân và nấm bệnh.
Ngược lại, ở những vụ, vùng không chịu áp lực cao về sâu hại, giống ngô GMO cho năng suất trung bình không cao hơn rõ ràng so với giống truyền thống; chất lượng hạt thương phẩm tương tự giống truyền thống.
Bộ NN&PTNT xác định ngô (ngô lấy hạt các loại, ngô sinh khối, ngô rau) là đối tượng cây trồng quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, với ngô GMO cần có những đánh giá chuyên sâu, bài bản, hệ thống và lâu dài về những tác động trong việc sử dụng các giống ngô GMO trên diện rộng, lâu dài.
TS Đinh Công Chính kiến nghị, cần tập trung vào sự thay đổi đa dạng sinh học về số lượng, thành phần các loại côn trùng, động vật trên vùng trồng cây ngô và hệ sinh thái các loài thực vật có quan hệ gần gũi với cây ngô: Sự sụt giảm có thể dẫn đến biến mất của một hay một số loài côn trùng, đặc biệt nhóm họ cánh vảy; một số côn trùng họ cánh vảy như nhóm sâu đục thân, đục bắp, ăn lá đang là sâu hại chính trên cây ngô sẽ trở thành sâu hại thứ yếu (các loài này chúng ta đã có nhiều nghiên cứu, hiểu rõ về đặc điểm sinh học sinh thái, phòng trừ); một số loài sâu hại thứ yếu sẽ trở thành sâu hại chủ yếu (các loài này chúng ta chưa có nghiên cứu về sinh học, sinh thái, phòng trừ), điều này sẽ rất nguy hiểm khi mới xuất hiện rất khó phòng trừ.