Theo số liệu thống kê, tỉnh Bình Phước hiện có 137.368ha điều, chiếm khoảng 50% diện tích điều cả nước và được mệnh danh là “thủ phủ điều” của Việt Nam. Sản lượng niên vụ năm 2019 của tỉnh đạt gần 140.700 tấn. Sản phẩm hạt điều của tỉnh đã được xuất khẩu đến 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hạt điều của tỉnh ước đạt 402,9 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Bình Phước xây dựng thương hiệu cho ngành điều
Việc bảo hộ thành công Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Hạt điều Bình Phước” đã có nhiều tác động tích cực giúp ngành điều Bình Phước phát triển bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 9 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sử dụng CDĐL “Hạt điều Bình Phước”, đã có 7 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng CDĐL gồm: Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Sơn Thành (thành phố Đồng Xoài), Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Đồng Phú), Công ty Mỹ Lệ TNHH (huyện Phú Riềng), Công ty TNHH MTV Sản xuất Hoàng Phú (huyện Lộc Ninh), Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại Đức Tài (huyện Đồng Phú), Công ty TNHH Vihahe (thị xã Phước Long) và Công ty cổ phần Tập đoàn Gia Bảo (thành phố Đồng Xoài).
Các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ trên 100.000 tem điện tử, cung cấp miễn phí tài khoản truy cập “Hệ thống phần mềm VNPT Check” để quản lý mã tem, định vị vị trí nghi ngờ có tem giả... tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu hạt điều.
Giám đốc Công ty TNHH Vinahe cho rằng, đa số doanh nghiệp chế biến bán điều thô cho công ty nước ngoài, sau đó được chế biến sâu bán ra thị trường với thương hiệu của họ, nên thương hiệu hạt điều Bình Phước chưa được biết đến nhiều. Việc các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm cũng đang tự đánh mất thương hiệu và lợi ích vốn có của hạt điều trong nước. Do đó, vấn đề cấp bách hiện nay là tạo ra chuỗi giá trị thương mại và định vị lại thương hiệu cho hạt điều Bình Phước phù hợp với xu thế hội nhập toàn cầu.
Bình Phước tiếp tục thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020
Tỉnh Bình Phước đang tiếp tục thực hiện Đề án phát triển bền vững ngành điều đến năm 2020; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường kiểm tra chất lượng, giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến khâu vận chuyển, bảo quản, chế biến; tổ chức các hội nghị, khóa tập huấn, đào tạo kiến thức cho công nhân và chủ cơ sở về sản xuất thực phẩm để họ nắm rõ hơn các quy định của nhà nước về chất lượng, từ đó áp dụng vào trong quá trình chế biến hạt điều, tạo ra các sản phẩm hạt điều có chất lượng tốt hơn.
Đáng chú ý, tỉnh chủ trương xây dựng thương hiệu, xây dựng chiến lược marketing cho ngành điều trong thời gian tới để mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; khuyến khích tiêu thụ sản phẩm ở nội địa vì đây là thị trường tiềm năng, tiêu thụ các sản phẩm chế biến sâu. Bên cạnh đó, ngành điều đang đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm, các rào cản bên cạnh những thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Với thế mạnh của mình, EVFTA có hiệu lực, Bình Phước sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển lĩnh vực hạt điều. Vì vậy, để hạt điều Bình Phước rộng đường vào EU nói riêng, các doanh nghiệp điều tỉnh ta cần nhanh chóng tranh thủ cơ hội, xây dựng thương hiệu, sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, cần minh bạch hóa từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, công bố chất lượng sản phẩm theo quy định để khẳng định được niềm tin đối với thị trường khó tính này. Việc hạt điều rộng cửa vào EU không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, mà còn tạo cơ hội làm giàu cho hàng vạn nông dân trồng điều và giải quyết nhu cầu lao động ở tỉnh ta hiện nay.
Linh Anh