Xuất khẩu rau quả tăng mạnh: Hướng tới kỷ lục mới trong năm 2024 Để sầu riêng duy trì vị thế xuất khẩu tỷ đô trong tương lai Xuất khẩu sầu riêng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng mạnh vì lợi thế này |
Bình Phước có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng. |
Có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho biết trên địa bàn tỉnh vừa có thêm 27 mã số vùng trồng sầu riêng được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp phép, nâng tổng số mã vùng trồng của tỉnh lên 65, xếp vị trí thứ tư cả nước về số lượng mã số vùng trồng sầu riêng.
27 mã số vùng trồng sầu riêng Bình Phước vừa được cấp phép với diện tích 701,5ha, sản lượng 14.030 tấn. Tổng số mã vùng trồng cây sầu riêng của tỉnh được nâng lên 65 mã số với diện tích 2.412ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước, hiện nay tổng diện tích cây sầu riêng trên địa bàn là 5.300ha, sản lượng 14.800 tấn.
Các địa phương có diện tích cây sầu riêng lớn gồm huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh; trong đó, giống sầu riêng Dona chiếm 61%; Ri6 31%; Chín Hóa 5%; giống khác 4,3%.
“Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ sáu tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Có 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa,” Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Phước cho biết.
Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Tỉnh Bình Phước hiện nay đã xây dựng được 31 chuỗi liên kết trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp tham gia liên kết với 29 hợp tác xã xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh.
Bình Phước đang định hướng phát triển diện tích trồng sầu riêng lên 8.000-10.000ha theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.
Bình Phước hiện có 457.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, cây hàng năm hơn 27.600ha; cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả 429.800ha.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước, tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn. Muốn sầu riêng vào được thị trường Trung Quốc đòi hỏi phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói... Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp và nông dân tại địa phương đã sớm nhận thấy tiềm năng từ thị trường tỷ dân và thay đổi tư duy sản xuất. Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã tập trung hỗ trợ nông dân, tạo vùng nguyên liệu có mã vùng trồng, các doanh nghiệp có mã đóng gói giúp cây sầu riêng phát triển bền vững.
Việt Nam vẽ lại bản đồ sầu riêng Trung Quốc
Sầu riêng là điển hình thành công của con đường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Trung. |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết năm 2022 dung lượng thị trường sầu riêng của nước này mới đạt trên 4 tỉ USD. Tuy nhiên từ đầu năm 2023, với sự tham gia của sầu riêng Việt Nam thì chỉ sau 10 tháng, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc tăng lên tới 6,5 tỉ USD. Cụ thể, trong 10 tháng, Trung Quốc đã chi đến 2 tỉ USD nhập 452.000 tấn sầu riêng của Việt Nam, tăng 3.190% so với cùng kỳ năm trước. Thị phần của trái sầu riêng Việt Nam chiếm đến 1/3 tại thị trường Trung Quốc; 2/3 còn lại thuộc về Thái Lan. Có thể nói, Việt Nam đã nhanh chóng "vẽ" lại thị phần ở thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Theo các chuyên gia, để đạt được kỳ tích này, một yếu tố quan trọng là do hàng của Việt Nam đi bằng đường chính ngạch.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 10 trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt trên 6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 2,6% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này.
Riêng nhóm hàng rau quả thì Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước có kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả lớn nhất sang thị trường Trung Quốc, sau Thái Lan và Chile.
Theo Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, dung lượng thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD vào năm 2025.
Chia sẻ về hoạt động xúc tiến tiêu thụ sầu riêng của Công ty CP Ameii, ông Nguyễn Khắc Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết, năm 2022 công ty không ghi nhận doanh thu xuất khẩu rau quả từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi thị trường này mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam, đặc biệt là với sầu riêng, công ty đã chuyển hướng sang thị trường này và đã bắt đầu có khoảng 30% doanh thu từ thị trường này.
“2024 sẽ là năm bứt phá tại thị trường Trung Quốc khi dư địa và tiềm năng xuất khẩu rau quả còn rất nhiều. Sau quá trình làm việc, tiếp cận với các tập đoàn Trung Quốc, công ty đã nhận thấy khả năng gia tăng kim ngạch của sản phẩm sầu riêng chế biến, vì vậy, công ty sẽ tập trung vào phát triển và xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm này.” - ông Nguyễn Khắc Tiến nhấn mạnh.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung còn rất lớn. Đặc biệt, các quốc gia trồng loại trái cây này chỉ thu theo mùa vụ, trong khi nước ta được thu quanh năm. Đây chính là thế độc quyền của sầu riêng Việt Nam.
"Năm 2023 kim ngạch sầu riêng của nước ta ước đạt 2,3 tỷ USD. Sang năm 2024, sản lượng sầu tăng cao, được cấp thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu thì kim ngạch có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD." - Ông Đặng Phúc Nguyên tính toán.
Trong một hội nghị mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn nhìn nhận cơ hội và tiềm năng hợp tác với thị trường 1,4 tỉ dân vẫn chưa khai thác tốt. Cụ thể, trao đổi thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, chưa khai thác hết năng lực hạ tầng cửa khẩu. Đặc biệt là xuất khẩu nông thủy sản chủ yếu vẫn là tiểu ngạch; số lượng, chất lượng, giá cả đều thiếu ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng biên giới còn hạn chế; việc nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu chưa theo kịp nhu cầu thương mại. Thêm vào đó, việc ứng dụng công nghệ mới trong quản lý hoạt động của các cửa khẩu cũng mới chỉ mang tính thí điểm, chưa phải phổ biến các cửa khẩu… "Cần tiến tới đoạn tuyệt với hình thức xuất khẩu qua đường tiểu ngạch", Bộ trưởng Diên nói.
Trung Quốc chi hơn 2 tỷ USD để mua sầu riêng Việt Nam |
Nhiều người trồng sầu riêng, cà phê thành tỉ phú |
Giá sầu riêng chạm mốc 200.000 đồng/kg, cao nhất trong gần một năm qua |