Trại nuôi thỏ của anh Hồ Ngọc Thắng rộng khoảng 170m2, đang duy trì ở quy mô khoảng trên dưới 1.000 con. |
Trại nuôi thỏ của anh Hồ Ngọc Thắng rộng khoảng 170m2, đang duy trì ở quy mô khoảng trên dưới 1.000 con, trong đó có 100 con thỏ nái. Với số lượng này và thu mua thêm của những hộ chăn nuôi khác, mỗi tháng, anh Thắng xuất ra thị trường khoảng 450kg thỏ thương phẩm, mức giá trung bình khoảng 130.000 đồng/kg.
Anh Thắng đến với công việc nuôi thỏ từ năm 2015. Thời điểm đó, nhận thấy thỏ là con vật dễ nuôi, chi phí đầu tư ban đầu không lớn và nhu cầu thị trường còn rộng mở nên anh quyết định bỏ ra 15 triệu đồng mua 20 con thỏ giống Newzealand về nuôi.
Hiệu quả ban đầu thấy rõ khi thỏ giống ăn khỏe, lớn nhanh nhưng mục tiêu phát triển đàn của anh Thắng gặp phải khó khăn trong vấn đề cho thỏ sinh sản. Do chưa có kinh nghiệm nên đàn thỏ của anh đạt tỷ lệ giao phối thành công thấp, thỏ mẹ đẻ số lượng ít và con non sinh ra dễ mắc bệnh chết. Thấy vậy, anh đã lên mạng, mua sách, báo để học hỏi kỹ thuật chăm nuôi thỏ mẹ và thỏ con.
Anh Hồ Ngọc Thắng chăm sóc chuồng trại nuôi thỏ đúng quy trình mang lại kinh tế cao. |
“Những năm đầu tôi cũng trầy trật với công việc này lắm. Hồi đó, thông tin trên mạng cũng chưa nhiều, sách báo cũng ít nên phải mất rất nhiều thời gian tôi mới chắt lọc được cho mình được những kinh nghiệm cũng như quy trình nuôi thỏ. Đến khoảng 2 năm sau mới bắt đầu có chút thành công khi đàn thỏ giống của tôi sinh sản tốt, con non cũng không còn dễ mắc bệnh chết như trước nữa”, anh Thắng chia sẻ.
Theo anh Thắng, thỏ là loại động vật có sức sinh sản khỏe, mỗi năm đẻ 6 - 7 lứa và mỗi lứa từ 8 - 12 con. Anh lựa chọn những con mạnh khỏe để làm giống và nhân đàn. Thỏ thương phẩm thì kết nối với các nhà hàng, quán ăn để tạo kênh tiêu thụ.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi, anh Thắng cho rằng, yếu tố đầu tiên là phải chọn được giống tốt, mắn đẻ. Sau những lứa đầu tiên nếu thấy thỏ nái sinh sản không đạt nên thay thế con giống khác. Với những con đực giống cần chọn mua ở những tỉnh thành khác tránh giao phối cận huyết. Đồng thời, cần theo dõi, nắm bắt được chu kỳ sinh sản của thỏ mẹ để tiến hành phối giống nhằm đạt hiệu quả tối đa.
Mỗi tháng, anh Thắng xuất ra thị trường khoảng 450kg thỏ thương phẩm. |
Lúc thỏ con mới sinh nên tách ra khỏi chuồng bố mẹ, chỉ đưa trở lại chuồng cho bú định kỳ vào từng thời điểm và kiểm tra sức khỏe thường xuyên vì đây là giai đoạn thỏ nhạy cảm nhất. Đến sau 1 tháng tách hẳn và cho ăn các loại thức ăn khô ráo tránh bị mắc các bệnh đường ruột. Nếu chăm sóc tốt, thông thường mỗi con thỏ kể từ lúc sinh đến 3 tháng tuổi sẽ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg là có thể xuất bán.
Đặc biệt, trong quá trình nuôi thỏ, nhận thấy phân và nước tiểu thỏ đổ xuống bên dưới vừa mất vệ sinh, vừa gây ô nhiễm môi trường, anh Thắng quyết định sử dụng chất thải của thỏ để nuôi trùn quế, bán ra cho các cửa hàng kinh doanh mồi câu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để tăng thêm thu nhập.
Mô hình trên nuôi thỏ, dưới nuôi trùn cho lợi kép của anh Hồ Ngọc Thắng. |
Anh Thắng quyết định sử dụng phân thỏ để nuôi trùn quế, bán ra cho các cửa hàng kinh doanh mồi câu trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Mỗi ngày, bán 10 - 15kg trùn quế, cải thiện thêm nguồn thu cho gia đình.
“Nuôi thêm trùn quế này tôi cũng không tốn thêm công sức, chi phí gì cả mà còn xử lý được mùi hôi rất tốt. Mỗi năm, với nguồn thu từ bán trùn quế và thỏ thương phẩm, sau khi trừ tất cả các chi phí, tôi cũng lãi được khoảng 200 triệu đồng”, anh Thắng bộc bạch.
Mô hình "trên thỏ dưới trùn" cho hiệu quả kinh tế cao nên anh Thắng dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô. |
Nói về dự định phát triển mô hình nuôi thỏ quy mô hơn trong tương lai, ông Thắng cho biết đang ấp ủ việc mở rộng trại nuôi rộng khoảng 250m2, với không gian kín để hạn chế rủi ro dịch bệnh cho đàn thỏ, đồng thời để chúng thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau.
Hiện nay, trại nuôi của anh Thắng đầu tư đầy đủ hệ thống nước, thức ăn, máy theo dõi nhiệt độ…, để thỏ và trùn quế phát triển nhanh và đạt chất lượng cao hơn. Nhờ nuôi trùn quế trong trại thỏ vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường lại có thêm nguồn thu từ bán trùn. Một lợi ích nữa là khi môi trường sạch thì thỏ cũng ít bị mắc bệnh, sinh trưởng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao./.