Trại thỏ trong "vạn thú gia trang" rộng 500m2; phía trên hiện nuôi khoảng 1.000 con thỏ, phía dưới nuôi trùn quế. |
Với ý tưởng lấy ngắn nuôi dài, tạo ra vòng tuần hoàn trong chuỗi nuôi trồng, mô hình chăn nuôi và canh tác tổng hợp của vợ chồng chị Bùi Thị Lý và anh Nguyễn Văn Vương (xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã thành công khi tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của vợ chồng anh Nguyễn Văn Vương và chị Bùi Thị Lý rộng 7.000m2 ở thôn An Lạc 2, xã Tiền Phong, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng có một cái tên khá ấn tượng “Vạn thú gia trang”. Đây là mô hình kết hợp nhiều loại cây trồng, vật nuôi nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc khép kín chuỗi thức ăn nuôi trồng, giảm tối đa chi phí đầu vào và không sử dụng thuốc kháng sinh hay phân bón công nghiệp để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Ít ai biết rằng, trước khi trở thành “ông bà chủ” trang trại, anh Nguyễn Văn Vương là thủy thủ tàu viễn dương, còn chị Bùi Thị Lý từng học sư phạm. Quyết định trở về quê lập nghiệp, phát triển kinh tế từ đồng đất quê hương là quyết định khá bất ngờ của hai vợ chồng.
Sự độc đáo của mô hình trang trại, hiều đoàn đã đến tham quan và học tập mô hình nông nghiệp tuần hoàn của "Vạn thú gia trang". |
Khu vực chăn nuôi của trang trại rộng 500m2 được chia thành 2 tầng, tầng trên là nơi nuôi dế mèn và tầng dưới hiện nuôi khoảng 1.000 con thỏ. Trung bình mỗi tháng, trang trại của gia đình anh Nguyễn Văn Vương xuất bán 7-8 tạ thỏ thịt, không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Phía dưới chuồng thỏ là khu vực nuôi trùn quế để xử lý chất thải của thỏ và nguồn rác thải hữu cơ... rồi trùn quế lại được khai thác để làm thức ăn cho cá, nuôi gà và xử lý làm phân bón cho các loại rau và cây trồng trong trang trại.
Anh Vương cho biết, trung bình mỗi năm trang trại xuất bán ra thị trường khoảng 2,5 tấn gà; 4 tấn cá cùng nhiều mặt hàng nông sản khác... mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Giai đoạn khó khăn nhất chính là khi mới xây dựng trang trại, kinh phí còn hạn hẹp. Theo sơ đồ phát triển của mình phải đầu tư rất nhiều nên rất khó khăn về đất đai và tiền vốn. Trước ở đây là ruộng trồng lúa không hiệu quả nên địa phương mới có kế hoạch dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ dân ra làm trang trại. Khi đó mình phải múc ao, lấp gần 5.000 m2 mặt bằng. Vốn 2 vợ chồng bỏ ra ban đầu là 400 triệu và đến thời điểm này kinh phí bỏ ra cho trang trại đã là 2 tỷ đồng”, anh Vương cho hay.
Để có được thành công như hôm nay, anh Vương và chị Lý đã trải qua nhiều bước thử nghiệm cùng những đêm thức trắng nghiên cứu tài liệu hay khăn gói đi học tập những mô hình trang trại ở nhiều nơi. Ban đầu, cùng với nuôi dế mèn, anh chị nuôi chim bồ câu Pháp nhưng nguồn thức ăn chăn nuôi phải mua hoàn toàn nên giá thành sản phẩm cao. Anh chị bàn bạc và chọn phương án kết hợp các loại vật nuôi để có thể tận dụng những nguyên liệu có sẵn tại địa phương... Thời gian đó, xã Tiền Phong có chính sách dồn điền đổi thửa nên anh chị quyết định xây dựng trang trại, chăn nuôi quay vòng khép kín...
“Lúc mới đầu hai vợ chồng chưa quen với việc lao động chân tay, cũng chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên phải vừa làm, vừa học hỏi, nghiên cứu thêm. Gia đình đã đi tham quan và học hỏi những người chăn nuôi trước ở Thái Bình, Hải Dương... và tìm hiểu thêm trên mạng internet. Dần dần tự rút ra kinh nghiệm và áp dụng thành công vào mô hình hiện tại”, chị Bùi Thị Lý kể.
Trùn quế được chị Lý tận dụng để nuôi gà, nuôi cá và xử lý làm phân trùn quế bón cây. |
“Vạn thú gia trang” đang từng bước được áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất với hệ thống làm mát và đang thiết kế, lắp đặt hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ chuồng nuôi để bảo đảm hiệu quả cao nhất. Thời gian tới, anh Vương và chị Lý sẽ mở rộng quy mô theo mô hình trang trại sân vườn; xây dựng các khu nuôi lươn và cua đồng để tận dụng nguồn thức ăn từ trùn quế và trồng thêm các loại cây dược liệu.
Mô hình trang trại vận hành tuần hoàn của "vạn thú gia trang" được đánh giá là hướng đi mới phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay. Điều này đã được chứng minh bằng hiệu quả kinh tế mà trang trại đem lại. Xu hướng phát triển trang trại này cũng được địa phương và các đoàn thể ủng hộ và tạo điều kiện để nhân rộng. Nhiều bạn trẻ cũng tìm đến để học hỏi và áp dụng trong mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mà mình ấp ủ./.